Vụ "chuyến bay giải cứu": Sốc với chuỗi bị can đẩy giá trục lợi từ đồng bào gặp hoạn nạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cứ qua mỗi khâu, chi phí công dân phải trả để có ghế máy bay về nước lại tăng lên khi bị can nào cũng thổi giá để hưởng lợi bất chính.

Chi phí "giải cứu" công dân bị đội giá mỗi lần qua tay các bị can

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án "Nhận hối lộ" "Đưa hối lộ" "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Che giấu tội phạm" xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2, đề nghị truy tố 17 bị can.

Trong giai đoạn 1 vụ chuyến bay giải cứu, tòa án đã phạt Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) án tù chung thân do có hành vi nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng trong quá trình cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.

Còn Vũ Hồng Quang (cựu Phó phòng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Bộ Giao thông Vận tải) bị phạt 4 năm tù vì nhận hối lộ 2 tỷ đồng.

Tại giai đoạn 2, ông Quang tiếp tục bị đề nghị truy tố về hành vi đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên.

Anh 1.jpg
Bị can Vũ Hồng Quang từng nhận 4 năm tù ở giai đoạn 1 vụ "chuyến bay giải cứu"

Theo kết luận điều tra vụ án, vào tháng 9/2020, Vũ Hồng Quang đã liên hệ, trao đổi nhờ Phạm Trung Kiên giúp để có được văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Phạm Trung Kiên đồng ý và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.

Sau đó, Vũ Hồng Quang đã trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (trưởng phòng thương mại điện tử một công ty hàng không) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) về việc, Quang có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí từ 2.000 USD đến 3.000 USD/công dân.

Nhóm Cương, Dũng thông báo lại việc này với các giám đốc doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ đưa người về nước tránh Covid-19 và đề nghị họ tập hợp danh sách công dân có nhu cầu.

Tuy nhiên, chi phí đội lên từ 100 – 500 USD/người so với mức giá Vũ Hồng Quang đưa ra để hưởng lợi.

Tháng 1/2021, Trần Thanh Nhã (lao động tự do) liên hệ, trao đổi, thỏa thuận nhờ Phạm Trung Kiên giúp để có văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên chuyến bay đơn lẻ, với chi phí 10 - 15 triệu đồng/công dân (chỉ một số ít trẻ em chi phí 7 triệu đồng/công dân).

Trần Thanh Nhã đã trao đổi với Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) biết việc Nhã có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước với mức phí từ 10 triệu đồng đến 35 triệu đồng/công dân.

Sau đó, Đặng Nhật Đức đã trực tiếp nhận hồ sơ của công dân hoặc thông qua Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR), Trần Thị Ngân (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel) và thỏa thuận chi phí từ 25 triệu đồng đến 160 triệu đồng/công dân.

Thắng và Ngân tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 USD đến 500 USD/công dân (so với chi phí Đức yêu cầu) để hưởng lợi.

Qua kết luận điều tra có thể thấy, cứ qua mỗi khâu, chi phí công dân phải trả để có ghế máy bay về nước lại tăng lên bởi bị can nào cũng thổi giá để hưởng lợi bất chính.

Sau khi thỏa thuận như trên và nhận được thông tin công dân có nhu cầu về nước từ Vũ Hồng Quang, Trần Thanh Nhã. Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Phạm Trung Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất duyệt, ký văn bản theo quy trình của Bộ Y tế.

Khi có văn bản chấp thuận, Phạm Trung Kiên chụp ảnh gửi cho Vũ Hồng Quang, Trần Thanh Nhã để Quang, Nhã chuyển tiếp cho các bị can phía dưới chuyển cho công dân qua ứng dụng Zalo, Viber.

Hưởng lợi bất chính gần 20 tỷ đồng

Cơ quan điều tra xác định, bị can Vũ Hồng Quang bị đề nghị xử lý do có hành vi thỏa thuận, đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên 10 triệu đồng/công dân về nước. Tổng cộng, ông Quang đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước và qua đây hưởng lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.

Trần Thanh Nhã thỏa thuận và đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/công dân về nước. Tổng cộng, Nhã đã đưa hối lộ hơn 7,3 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho 461 công dân về nước, qua đó hưởng lợi hơn 8,2 tỷ đồng.

Nguyễn Mạnh Cương đã chuyển gần 3,9 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên và đổi lại, có được văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước. Qua đây, Cương hưởng lợi hơn 2 tỷ đồng.

Vũ Hoàng Dũng cũng chuyển hơn 2,3 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để hối lộ Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho 236 công dân hồi hương, hưởng lợi 2,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt bị can khác là giám đốc các doanh nghiệp có hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức cho Vũ Hồng Quang và Trần Thanh Nhã, đưa công dân về nước trên các chuyến bay giải cứu cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên và sau đó hưởng lợi từ 78 triệu đồng đến 3,1 tỷ đồng. Hành vi này của Kiên đã bị xử lý ở giai đoạn 1 vụ án nên không xem xét tiếp.

Theo cơ quan công an, trong giai đoạn 2 của vụ án, bị can Vũ Hồng Quang tích cực hợp tác trong quá trình điều tra vụ án; có bằng khen, giấy khen trong quá trình lao động, sản xuất; tự nguyện nộp lại 8 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Hai người làm lao động tự do trong vụ án là Vũ Hoàng Dũng và Trần Thanh Nhã đã nộp khắc phục số tiền lần lượt là 2,8 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Mạnh Cương đã chủ động nộp lại số tiền hơn 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.