|
Nguyễn Thị Hồng Dung được đưa đến phiên xét xử. |
Chiều 22/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hội đồng xét xử (HĐXX) đề nghị cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết; Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết) trước khi xét hỏi các bị cáo khác.
Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung khai gia đình bà là thông gia với gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Bị cáo trình bày bản thân làm thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn, không cho Công ty Faros vay tiền, không ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, do được nhờ, nên bà đã ký các hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay với Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros trị giá 360 tỷ đồng theo lời đề nghị của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và không được hưởng lợi gì.
Bị cáo Dung cũng thừa nhận cho Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh để mở các tài khoản chứng khoán. Các tài khoản này sau đó do bị cáo Huế sử dụng, bà không quản lý, không biết sử dụng như thế nào.
Cáo trạng xác định bị cáo Dung được nhờ ký 1 hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay Công ty Faros 360 tỷ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng.
Bị cáo Dung còn cho mượn giấy tờ cá nhân, ký các giấy tờ thành lập và đứng tên người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Khu Công nghiệp Toàn cầu để bị cáo Huế mở 13 tài khoản chứng khoán, đứng tên cá nhân mở 12 tài khoản. Sau đó, bị cáo Huế sử dụng các tài khoản này thao túng giá 4 cổ phiếu HAI, FLC, GAB, ART.
Hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung đã tạo điều kiện để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Tương tự bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) khai là con bác ruột bị cáo Trịnh Văn Quyết).
Bị cáo Đại có ký nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động của Công ty Faros, nhưng bị cáo không hiểu biết nhiều mà chỉ ký theo khi bị cáo Trịnh Minh Huế nhờ. Bị cáo đứng tên ba công ty thuộc hệ thống của Tập đoàn FLC. Khi ký các văn bản, bị cáo nghĩ đó là việc của công ty. Bị cáo cũng không nhớ đã ký bao nhiêu tài khoản chứng khoán của FLC vì tất cả các tài khoản bị cáo ký đều do Trịnh Minh Huế sử dụng và quản lý.
Trịnh Văn Đại khai nhận cũng không được hưởng lợi gì từ những tài khoản chứng khoán ấy. Bị cáo chỉ hưởng lương từ Tập đoàn FLC.
Bị cáo Đỗ Như Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty Faross) thừa nhận, bị cáo ký sở hữu 57.000 cổ phần của Tập đoàn FLC. Khi ký, bị cáo chỉ nghĩ rằng, ký để hoàn tất thủ tục.
Theo bị cáo Tuấn, khi ký các hợp đồng, bị cáo không có chuyên môn nên bảo cấp dưới ký nháy, sau đó bị cáo ký.
"Sau khi bị cáo làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo mới biết bị cáo có tội”, Tuấn khai.
Cáo trạng thể hiện, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.
Bị cáo Quyết giao ông Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.
Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.