Điều đáng nói là thủ pháp tấn công của tin tặc không hề tinh vi và lỗ hổng bị lợi dụng thực chất là lỗ hổng cũ, đã được cảnh báo từ trước.
Một số diễn đàn bảo mật như Whitehat.vn cho biết, số lượng các trang web bị tấn công trong đợt này lên đến hơn 1000 website. Tuy nhiên, báo cáo tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm VNECRT cho biết, tỷ lệ thành công trên thực tế của đợt tấn công này không cao, chỉ khoảng 30-40%, tương ứng với 300-400 website bị tấn công mà thôi. Tuy nhiên, hacker đã tuyên bố khuếch đại, cố ý thống kê cả các website bị tấn công những đợt trước đó để gây cảm giác rằng đây là một "chiến dịch có quy mô".
Phân tích về tính chất của vụ tấn công, ông Khánh cho biết hacker chủ yếu tấn công website nhỏ lẻ, tư nhân là chính. Chỉ có khoảng 10 trang web có tên miền .gov.vn bị tấn công trong đợt này, hiện tại 8 website đã khắc phục xong sự cố."Mức độ ảnh hưởng thực tế không nhiều nhưng đây vẫn là một sự cảnh báo rất lớn về ATTT", ông Khánh nhận định.
Trong khi đó, trả lời VietNamNet, ông Lê Bá Quốc Thịnh, chuyên gia của Cục An toàn thông tin cho biết, từ sáng ngày 30/5/2015, đơn vị này đã ghi nhận hoạt động không ổn định của Cổng thông tin điện tử của một cơ quan trung ương. Đây là dấu hiện của một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS). Cuộc tấn công này được tiếp tục thực hiện vào ngày 31/5/2015 từ 11:36 đến 13:44 và các ngày tiếp theo với lưu lượng nhỏ hơn. Cũng trong ngày 30/5/2015, một số trang thông tin điện tử mang tên miền .vn của Việt Nam bắt đầu bị tấn công hàng loạt. Đến nay, tổng cộng đã có hơn 900 trang web tại Việt Nam bị tấn công thay đổi giao diện hoặc tải tệp tin trái phép.
Đánh giá về mức độ thiệt hại của đợt tấn công, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin khẳng định, khi đã bị tấn công thì chắc chắn sẽ có thiệt hại, thiệt hại về thông tin, về uy tín, về mức độ tin cậy. Cục cùng các đơn vị chức năng liên quan hiện đang theo sát để có biện pháp xử lý phù hợp.
"Thời gian gần đây, các nhóm tin tặc này tiếp tục đưa lên website của mình rất nhiều trang thông tin điện tử quan trọng của Việt Nam được cho là đã bị tấn công. Đến thời điểm này, Cục An toàn thông tin nhận định các thông tin về các trang thôn tin điện tử quan trọng bị tấn công này chưa được xác thực. Cục chưa ghi nhận được cuộc tấn công vào các trang quan trọng này. Tuy nhiên không loại trừ trường hợp các tin tặc đã phát động tấn công nhưng không đạt được mục đích", ông Dũng lưu ý.
Các tổ chức thiếu cảnh giác!
Liên quan đến nguyên nhân bị tấn công, VNCERT cho biết, các website bị tấn công chủ yếu sử dụng công nghệ cũ (máy chủ cài windows Server 2003 trở về trước), hoặc các phần mềm soạn thảo lỗi thời, chưa được cập nhật. Điều này cho thấy nhiều đơn vị chưa quan tâm đến bảo mật hệ thống.
Đồng quan điểm, ông Dũng cho rằng, đây chỉ là cuộc tấn công mang tính phong trào, tự phát với kỹ thuật tấn công đơn giản. Trên thực tế, ngay từ tháng 1/2015, Cục đã gửi văn bản cảnh báo về lỗ hổng và tin tặc lợi dụng trong đợt tấn công vừa qua, nhưng nhiều tổ chức vẫn không cập nhật vá lỗi. Đến tháng 4, Cục lại cảnh báo tiếp nhưng nhiều website vẫn không khắc phục lỗ hổng.
"Việc thiếu nhận thức và trách nhiệm về ATTT của một số cơ quan và cá nhân đã dẫn đến việc không kịp thời nâng cấp,vá lỗi dẫn đến việc bị tin tặc tấn công. Có thể kể tên điểm yếu được lợi dụng nhiều nhất là điểm yếu trên thành phần phần mềm FCKEditor đã quá cũ và không được cập nhật trên các trang thông tin này. Chỉ cần nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo và cảnh báo trên từ phía Bộ TT&TT là các tổ chức, cơ quan đã có thể tránh được nhiều sự cố ATTT, trong đó có việc bị tấn công qua các điểm yếu an toàn thông tin tương tự đã bị khai thác trong thời gian qua", ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chủ quản các website của Việt Nam cần chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các website của mình. Khi nhận được cảnh báo từ cơ quan chức năng về các nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu ATTT, cần sớm tổ chức thực hiện các biện pháp cập nhật, nâng cấp, vá lỗi. Đa phần các hoạt động này có thể tiến hành mà không đòi hỏi phí tổn đáng kể nào về nguồn lực đầu tư, đại diện Cục ATTT khuyến nghị.
Trong thời điểm hiện tại, Cục An toàn thông tin và VNCERT đang tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các đơn vị bị tấn công để khôi phục hoạt động cũng như vá các điểm yếu bảo mật để tránh các tấn công tương tự trong tương lai.
Đồng thời, trong tháng 6, Cục ATTT sẽ tổ chức tuyên truyền phổ biến các kỹ năng và nhận thức cơ bản về an toàn thông tin để các cơ quan, tổ chức biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống các nguy cơ mất an toàn thông tin. Cục cũng sẽ khẩn trương tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng cơ bản và chuyên sâu về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức, trong đó có chủ quản các website, để phòng tránh các nguy cơ mất an toàn thông tin tương tự trong tương lai.
Về các giải pháp trung và dài hạn, Bộ TT&TT vừa báo cáo dự thảo Luật An toàn thông tin tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Dự án Luật sau khi được ban hành sẽ tạo thành hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo đảm an toàn thông tin. Bên cạnh đó, theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 6/2015, Bộ TT&TT dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin quốc gia giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở để triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin của Việt Nam.
Theo VNN