Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vừa công bố một số thông tin đáng chú ý liên quan đến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã CK: VPB).
LNTT trên 10.000 tỷ đồng
Theo đó, sau khi hoàn thành cơ bản các mục tiêu trong giai đoạn trước, VPBank cho biết ngân hàng này đang bước vào giai đoạn chiến lược tiếp theo 2018-2022. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0 và khát vọng thành 1 trong 3 ngân hàng có giá trị nhất tại Việt Nam vào năm 2022, trong năm 2018, VPBank đã đặt những mục tiêu rất cụ thể. Đó là: Tổng tài sản đạt 359.477 tỷ đồng, Huy động và phát hành giấy tờ có giá: 241.675 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 243.320 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng là 229.148 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Đáng chú ý, VPBank đặt mục tiêu gia nhập “câu lạc bộ” NH có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng ngay trong năm 2018. Cụ thể, VPBank dự kiến LNTT là 10.800 tỷ đồng LNTT, tương đương con số kỷ lục Vietcombank đạt được trong năm 2017 (11.018 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 27.000 tỷ đồng để phục vụ cho 4 mục tiêu chính: Tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng; cải thiện các chỉ số an toàn và an toàn hoạt động; Góp vốn vào các công ty con; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất . Hiện tại, vốn điều lệ của VPBank đang ở mức 15.076 tỷ đồng, trong đó 14.974 tỷ đồng là vốn cổ phần phổ thông và hơn 732 tỷ đồng là vốn cổ phần ưu đãi cổ tức.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng vốn, VPBank phải thực hiện một số đợt tăng vốn điều lệ để tăng thêm 12.000 tỷ đồng vào năm 2018.
Nhà băng này cho biết họ sẽ thực hiện 5 đợt tăng vốn trong năm 2018, cụ thể:
- Đợt 1 sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung VĐL. Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 31,25% (lấy từ quỹ dự trữ bổ sung VĐL 1,03%, lấy từ LN hợp nhất và quỹ năm 2017 còn được phân phối 30,22%). Vốn CP trước khi chia là 14.974 tỷ đồng, vốn tăng thêm 4.679 tỷ đồng, vốn sau khi chia cổ tức là 19.653 tỷ đồng.
- Đợt 2, VPBank dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên VPBank (ESOP). Tổng mệnh giá phát hành năm 2018 sẽ tương đương 4,14% LNTT hợp nhất 2017, bằng 336,95 tỷ đồng. Dự kiến sẽ thực hiện trong quý 2/2018. Giá phát hành: 10.000đ và hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.
- Đợt 3, phương án mua lại cổ phiếu quỹ và sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông sau khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng của số cổ phiếu Quỹ theo quy định của pháp luật. Tổng số lượng cổ phiếu ứu đãi cổ tức đăng ký mua lại làm cổ phiếu quỹ là hơn 73 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn sử dụng được lấy từ Thặng dư vốn cổ phần (1.287 tỷ đồng) và Quỹ Đầu tư phát triển (1.201 tỷ đồng). Thời gian dự kiến giao dịch là vào quý 3/2018.
- Đợt 4, phát hành riêng lẻ cho NĐT trong và ngoài nước để tăng VĐL. Tổng khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa là 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành.
- Đợt cuối cùng, VPBank sẽ chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho NĐT năm 2017. Tổng nguồn Thặng dư vốn dùng để chia cho cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông là trên 4.577 tỷ đồng. Dự kiến Vốn điều lệ sau đợt phát hành sau các đợt tăng vốn đạt 27.799 tỷ đồng
Thị giá hơn 60.000 đồng, ESOP giá 10.000 đồng
Trong 5 đợt tăng vốn của VPBank, đáng chú ý là đợt tăng vốn phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên VPBank (ESOP).
Đây là chính sách phổ biến trên thế giới nhằm giữ chân nhân tài và gắn hiệu quả làm việc của người lao động với kết quả của toàn doanh nghiệp. Tại Việt Nam, trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp hàng đầu như: Thế giới di động, Masan… đã áp dụng phương thức này.
Với VPBank, thị giá cổ phiếu VPB đang ở mức hơn 60.000đ/cp (giá chốt phiên 9/3 là 63.900đ/cp) nhưng theo chương trình ESOP, giá mỗi cổ phiếu chỉ là 10.000đ/cp. Như vậy, nếu cán bộ nhân viên của VPBank được mua theo chương trình này thì đã “hời” hơn 50.000đ/cp. Nhưng cần phải lưu ý rằng không phải ai là nhân viên của VPBank cũng được hưởng ưu đãi đó, đối tượng mua cổ phần là thành viên Ban kiểm soát, Ban điều hành và cán bộ nhân viên đạt tiêu chí và được HĐQT phê duyệt. Đồng thời, để tránh xung đột lợi ích với cổ đông hiện hữu, VPBank hạn chế chuyển nhượng loại CP này trong vòng 3 năm.
Với nguồn vốn được tăng thêm từ các đợt tăng vốn điều lệ vào khoảng 12.000 tỷ đồng, VPBank dự kiến sẽ dùng 8.500 tỷ đồng cho một số nhu cầu như tăng trưởng nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng; 3.000 tỷ đồng để cấp VĐL bổ sung cho Công ty con (VPBFC và VPBAMC) và góp vốn mua cổ phần vào Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động cốt lõi của Ngân hàng; 500 tỷ đồng còn lại VPBank sẽ dành để đầu tư vào hạ tầng; cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin.. để phục vụ cho nhu cầu phát triển Hội sở và mạng lưới chi nhánh.
Như vậy, trong năm 2018, ngoài khoản chia cổ tức và cổ phiếu thưởng từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 4.679 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ chia 30% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay); các cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông còn được chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn là 4.577 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ chia 32% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay). Cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông còn có cơ hội nhận cổ phiếu thưởng từ nguồn cổ phiếu quỹ sau khi VPBank thực hiện mua các cổ phần ưu đãi cổ tức làm cổ phiếu quỹ (tương đương tỷ lệ chia 4.9% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay). Tổng tỷ lệ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng từ các nguồn trên so với tổng nguồn cổ phần phổ thông hiện nay tương đương 67%./.