Vòng đời kết thúc, tấm thu năng lượng mặt trời đi về đâu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hầu hết thành phần tạo nên tấm thu năng lượng mặt trời có thể tái chế được. Mối lo về việc xử lý các tấm thu năng lượng mặt trời không đến mức báo động nếu có đủ quy định ràng buộc và công nghệ tốt.

Vòng đời kết thúc, tấm thu năng lượng mặt trời đi về đâu
Vòng đời kết thúc, tấm thu năng lượng mặt trời đi về đâu

Ai chịu trách nhiệm tái chế?

Số liệu của Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho thấy: Tính đến 1/11/2020, trên địa bàn TP.HCM đã có gần 11.281 công trình điện mặt trời mái nhà có nối lưới với tổng công suất trên 192 MWp. Ngoài ra, còn có hơn 70 công trình điện mặt trời mái nhà độc lập. Tổng công suất điện phát lên lưới trong 10 tháng năm 2020 đạt gần 52 triệu kWh.

Ngoài ra, đối với các trang trại điện mặt trời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã đưa vào vận hành hơn 100 dự án với tổng công suất 6.314MWp (tương đương 5.245MWac), trong đó chỉ riêng trong quý II/2019 có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.000 MWp được đưa vào vận hành.

Sự bùng nổ của điện mặt trời đã tạo nên sự đa dạng về nguồn cung ứng trong hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm bớt nguy cơ thiếu điện và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, nhà đầu tư và chính quyền.

Điện mặt trời bùng nổ ở Việt Nam.
Điện mặt trời bùng nổ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, điện mặt trời với những mặt trái của nó cũng được đặt ra khi có Đại biểu Quốc hội lên tiếng trên diễn đàn Quốc hội với câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Đại biểu này bày tỏ rất lo lắng với việc phát triển tràn lan pin năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? "Những tấm pin đó được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng, đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao?”, đại biểu Ksor H'Bơ Khắp đặt câu hỏi.

Câu hỏi chất vấn của vị đại biểu này được nhiều người chú ý. Tuy nhiên, khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia và nhà đầu tư dự án điện mặt trời, vấn đề này đã được lường trước và đang có những bước đầu quan tâm việc xử lý về sau.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Võ Viết Cường (Khoa Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho rằng: “Đâu đó có những lo ngại việc những tấm panel hư bỏ vứt ra bãi rác sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tôi khẳng định là không. Thế giới có đầy đủ công nghệ để bóc tách tái chế, xử lý đến tận cùng những gì khoa học đã tạo ra. Nhà cung cấp tấm panel phải có trách nhiệm thu về và xử lý, nếu không thu về sẽ bị phạt.

Việt Nam cần tham khảo cách làm của các nước để đưa ra quy định chuẩn bị cho tương lai xa hơn. Nhà máy tái chế tấm panel này đang hoạt động 4-14% tổng công suất lắp đặt, nhưng nó sẽ tăng mạnh trong tương lai gần vì tốc độ phát triển điện mặt trời”.

Theo quy định của một số nước làm điện mặt trời tại EU, ít nhất 65% tấm panel được nhà cung cấp thu về tái chế.

Tuy nhiên, với quốc gia mới phát triển điện mặt trời như Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là ai chịu trách nhiệm tái chế, các dự án khi xây dựng đã có hợp phần xử lý khi hết vòng đời các tấm pin, chi phí xử lý sẽ chiếm bao nhiêu trong giá thành điện...

Còn ở Việt Nam thì sao?

Tháng 4/2019, PV đã có nhiều chuyến đi thực tế đến các dự án điện mặt trời ở phía Nam như Long An, Tây Ninh,... Giai đoạn đó, các dự án đang trong quá trình xây dựng. Các chủ đầu tư đều cho biết theo hợp đồng ký với nhà cung cấp tấm quang điện đều có điều khoản sau 20 năm (hết vòng đời dự án) nhà cung cấp sẽ thu hồi những tấm quang điện này về để xử lý, tái chế. Để làm việc này, nhà cung cấp thường cộng thêm một khoản chi phí vào giá bán.

Điện mặt trời trên mái nhà đang thu hút nhiều sự quan tâm.
Điện mặt trời trên mái nhà đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Cơ sở nào để nhà cung cấp sẽ thực hiện cam kết? Trao đổi với PV ngày 13/11, một nhà đầu tư đang thực hiện nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam, nói rằng: Nhà cung cấp họ hiểu rằng tấm quang điện có thể tái chế được và có lãi nên đã thêm điều khoản này vào để “lợi đơn lợi kép”.

Ngoài ra, tấm quang điện phổ biến dùng ở Việt Nam là tấm quang điện silic. Thành phần tấm pin dùng công nghệ silic bao gồm lớp tế bào quang điện, lớp kính trước của tấm quang điện, tấm nền của pin, khung tấm pin mặt trời...

Hầu hết các thành phần này đều có thể tái chế được. Vị này khẳng định: Tái chế tấm quang điện chắc chắn có lãi. Hầu như toàn bộ thu hồi được. Trong lĩnh vực xử lý rác, thu hồi được 90% là có lãi được. "Tôi tin đơn vị nào tái chế chắc chắn sẽ lãi nhiều. Hiện nay, Việt Nam mới bắt đầu có năng lượng mặt trời, mà vòng đời các tấm pin trên 20 năm nên chúng chưa được thu hồi nhiều để tái chế vì cần có số lượng lớn, không ai xây nhà máy trong khi nguyên liệu chưa đủ cả", ông nói.

Ngoài ra, theo quan điểm của nhà đầu tư này, bất kì công trình đầu tư xây dựng nào khi kết thúc vòng đời dự án đều tạo ra rác thải.

“Câu chuyện đặt ra nếu chúng ta không thích rác thải thì chúng ta đừng nên làm gì. Nhưng không làm gì thì chúng ta không phát triển được. Đầu tư năng lượng mặt trời, như tôi đã nói, hầu hết đều thu hồi và tái chế được, rất ít rác thải, không phải chất thải nguy hại”, vị này chia sẻ.

PGS.TS Võ Viết Cường cho rằng Chính phủ cần thông qua chính sách khuyến khích đầu tư/bắt buộc xử lý tái chế tấm quang điện mặt trời an toàn. Nhà sản xuất chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý tái chế tấm quang điện. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sớm ra quy định ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất, nhà phân phối có trách nhiệm thu hồi hoặc thuê đơn vị xử lý các tấm quang điện hết hạn.

Ngoài ra, cần thực thi các quy định để khuyến khích đầu tư xử lý tái chế tấm quang điện an toàn. “Tôi đảm bảo việc tái chế này có thể thu được tiền, rất nhiều cơ hội tiền bạc ở đây. 50 năm nữa chỗ nào cũng gắn điện mặt trời nên đây là phương án kinh doanh hấp dẫn. Nhiều tỷ phú thế giới xuất thân từ ve chai, ve chai là tiền, hay nói cách khác, không có gì là ve chai cả", PGS.TS Võ Viết Cường nhấn mạnh.