Vỡ động mạch phổi, người đàn ông được cứu sống trong gang tấc

VietTimes – 10 ngày trước, một người đàn ông 61 tuổi được đưa tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ho ra nhiều máu. Nhưng nhờ được các bác sĩ tận tình cứu chữa, hôm nay (27/12), bệnh nhân đã ổn định với những diến biến tích cực.
Bác sĩ xem kết quả chụp CT của người đàn ông trước khi thực hiện can thiệp nội mạch.
Bác sĩ xem kết quả chụp CT của người đàn ông trước khi thực hiện can thiệp nội mạch.

TS. Lê Thanh Dũng - Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, trong  9 ngày điều trị tại viện, người đàn ông này tiếp tục ho ra máu, mỗi lần từ 300 – 500ml máu đỏ tươi, huyết áp tụt.

Nhận thấy người đàn ông mắc bệnh nặng, các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng, phát hiện ông bị tổn thương tổ chức kẽ lan tỏa hai phế trường phổi, giả phình nhánh động mạch thùy dưới phổi trái.

Vì vậy, ông được các bác sĩ điều trị bằng cách phương pháp can thiệp nội mạch làm tắc nhánh mạch phình – phương pháp có sự xâm lấn tối thiểu. Khoảng 30 phút sau khi được can thiệp, bệnh nhân đã không còn ho ra máu.

Từ tình trạng bệnh nặng của bệnh nhân này, các bác sĩ đã chia sẻ cách phân biệt 3 mức độ nguy hiểm khi ho ra máu. Ở mức độ nhẹ, người bệnh bị ho từng bãi đờm nhỏ lẫn máu, mất khoảng 50 ml máu, mạch và huyết áp bình thường. Tới mức độ vừa, người bệnh mất từ 50 – 200ml máu, mạch nhanh, huyết áp còn bình thường, không có suy hô hấp. Khi bị bệnh nặng, người bệnh mất hơn 200ml máu, suy hô hấp, trụy tim mạch.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị ho ra máu sét đánh, máu chảy khối lượng lớn, ồ ạt tràn ngập 2 phổi, gây ngạt thở và tử vong.

Vì vậy, TS. Lê Thanh Dũng khuyến cáo người dân nên đi khám để được điều trị bệnh kịp thời khi gặp các dấu hiệu ho ra máu nói trên.