VN-Index liệu còn cơ hội chinh phục mốc 1.000 điểm trong năm 2019?

VietTimes -- Nếu như năm 2018, việc chinh phục mốc 1.000 điểm đối với chỉ số VN-Index có thể coi là khá dễ dàng, thì kể từ lần lỡ “chạm nhau” vào Quý 1/2019, dù đã 4 lần quay trở lại tiệm cận ngưỡng này nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa thể chinh phục thành công. Điều kiện thị trường 3 tháng cuối năm liệu có giúp VN-Index thêm 1 lần nữa chinh phục ngưỡng tâm lý này và đằng sau đó còn điều gì quan trọng hơn cả điểm số?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đầu năm 2019, một số công ty chứng khoán (CTCK) đã đưa ra kế hoạch kinh doanh cả năm đầy tham vọng dựa trên dự tính chỉ số VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1.000 điểm.

Tuy nhiên, những diễn biến bất ngờ của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong năm 2019 đã gây ra sự xáo trộn không nhỏ trong xu hướng dòng tiền. Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước vì thế cũng có những diễn biến khó lường, khiến các CTCK cũng phải “lựa theo chiều gió” mà thay đổi chiến lược cho linh hoạt.

Với đặc thù kết quả kinh doanh gắn liền với diễn biến của TTCK, giá cổ phiếu của các công ty nhóm ngành này đa phần cũng trong xu hướng giảm giá kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay.

Trở lại với thị trường chung, theo ghi nhận của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục kéo dài trong tháng 8/2019 đã khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm trở lại khi tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.000 điểm. Kể từ khi tạo đỉnh vào đầu tháng 3/2019, đã có tới 4 lần VN-Index điều chỉnh sau khi tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.000 điểm.

Điểm sáng được VDSC ghi nhận đó là các chuỗi tăng giảm ngày càng ngắn và có biên bộ hẹp hơn, thanh khoản cũng có sự cải thiện (trung bình tháng 8/2019 đạt 3.000 tỷ đồng/phiên) cho thấy dòng tiền nóng đang là chủ đạo trên thị trường. Bên cạnh đó, lực cầu tại vùng giá thấp là khá dồi dào khi những phiên chỉ số hồi phục có thanh khoản cao hơn trung bình.

Mặt khác, nếu như thị trường tháng 7 chứng kiến thực trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khi chỉ có nhóm cổ phiếu trụ tăng mạnh thì tháng 8 lại có diễn biến ngược lại. Các cổ phiếu trụ quay đầu giảm điểm còn nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đa số đều hồi phục. Qua đó, độ rộng thị trường cải thiện với chỉ 45% số cổ phiếu giảm điểm,so với 50% trong tháng 7. Dòng tiền đầu cơ tập trung vào các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, cao su tự nhiên và nhóm Viettel.

Diễn biến của chỉ số VN-Index (Nguồn: VND)
Diễn biến của chỉ số VN-Index (Nguồn: VND)

Dòng vốn ngoại cản bước VN-Index

Về triển vọng thị trường, VDSC nhận định TTCK trong nhiều tháng qua chủ yếu chịu sự chi phối của ngoại tác hơn là vấn đề nội tại trong nước. CTCK này tỏ ra quan ngại về tình trạng khan hiếm của dòng tiền ngoại trên TTCK trong những tháng còn lại của năm 2019.

Dẫn chứng là trong tháng 8/2019, các quỹ ETF bị rút ròng lên tới hơn 50 triệu USD, cao nhất kể từ đầu năm và khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn với giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý Việt Nam là thị trường bị khối ngoại bán ròng ít nhất so với các thị trường còn lại.

Trong ngắn hạn, VDSC chỉ ra 3 lý do khiến dòng vốn ngoại khó quay trở lại thị trường, bao gồm: 1) chiến tranh thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; 2) ngày càng nhiều dấu hiệu nhà đầu tư ưa thích kênh đầu tư vào tài sản an toàn hơn; và 3) nhà đầu tư ngoại có thể tiếp tục bán ròng E1VFVN30 ETF để chuẩn bị vốn cho các ETFs mới.

“Do có độ trễ khoảng 1 tháng giữa giao dịch trên sàn của NĐT nước ngoài so với diễn biến của dòng tiền ETFs, khả năng khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn là khá cao” - báo cáo của VDSC nhận định.

Công ty chứng khoán này nhận định sự bất lợi từ thị trường tài chính toàn cầu và hạn chế cung tiền trong nước khiến VN-Index không thể chinh phục mốc 1000 điểm đi kèm với sự suy yếu về mặt thanh khoản,tình trạng này chưa thể phá vỡ trong những tháng còn lại của năm 2019.

Bên cạnh đó, VDSC cũng nhận định chỉ số này sẽ dao động trong khoảng 950 – 990 trong những tháng còn lại của năm 2019.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thì dự báo thị trường sẽ có những vận động đón đầu kết quả kinh doanh Quý 3/2019, tuy nhiên, đây vẫn chưa thể là động lực bứt phá cho TTCK. Đồng thời, BSC đưa ra 2 kịch bản thị trường cho tháng 9.

Theo kịch bản tích cực, VN-Index sẽ giữ trên 965 điểm ở nhịp điều chỉnh, với vùng giá trung tâm 980 điểm. Còn theo kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể giảm dưới 950 điểm.

“Cửa” nào cho VN-Index chinh phục 1.000 điểm?

Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, công ty chứng khoán VNDirect (VND) nhận định mặt bằng định giá chung của thị trường Việt Nam đang ở mức rẻ so với khu vực.

CTCK này kỳ vọng P/E của thị trường có thể giảm 3% về mức 15,0x, kèm với mức tăng 17,9% của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, đưa đến dự báo tăng trưởng khoảng 14,7% của chỉ số VN-Index so với đầu năm, tương ứng với mức 1,020 điểm vào cuối năm 2019.

Bên cạnh yếu tố về mặt định giá, TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến tích cực của dòng vốn ngoại trong thời gian tới khi triển vọng nâng hạng thị trường khá rộng mở.

Mặt khác, TTCK Việt Nam cũng bắt đầu triển khai các sản phẩm đầu tư mới giúp cho nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn, thu hút dòng vốn mới tham gia thị trường.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HSX) đã công bố 3 bộ chỉ số mới. Trong đó, bộ chỉ số Vietnam Diamond Index hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài vì các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thành phần sẽ giải tỏa phần nào nhu cầu sở hữu cổ phiếu tốt nhưng đã chạm giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Một số nhà đầu tư kỳ vọng HSX có thể công bố rổ chỉ số này trong tháng 10/2019. Sự ra đời của các ETFs mô phỏng các rổ chỉ số mới này, theo đó, có thể giúp thị trường thu hút dòng tiền mới từ nước ngoài. Động lực này có thể giúp chỉ số VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm.

Dù vậy, sự tăng trưởng của điểm số phải song hành cùng chất lượng của thị trường. Trong đó, việc cải thiện chất lượng minh bạch thông tin, bảo vệ nhà đầu tư, cùng một lời giải khả thi cho phép nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là chìa khóa giúp TTCK Việt Nam phát triển cả về chất và lượng./.