Đầu tư vào TTCK: Cơ hội kiếm lời đôi khi rất đơn giản nhưng...

VietTimes -- Cơ hội để đầu tư vào TTCK cho năm tới vẫn còn rất hấp dẫn nhưng song hành với đó là rủi ro cũng đang tăng dần. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các chuyên  gia MBS đã dành hẳn một phần nội dung để khuyến nghị nhà đầu tư cách phân bổ “nguồn tiền nhàn rỗi” của mình trong giai đoạn này.
Dù TTCK năm 2018 có diễn biến không thuận lợi nhưng các buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư trên thị trường này vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư (Ảnh: P.D)
Dù TTCK năm 2018 có diễn biến không thuận lợi nhưng các buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư trên thị trường này vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư (Ảnh: P.D)

Những điểm sáng hút dòng tiền

Nếu muốn tìm một nhận định đơn giản về cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm tới, có lẽ chia sẻ sau đây của vị chuyên gia phân tích tại buổi hội thảo tổ chức vào những ngày đầu năm 2019 là trực quan nhất.

“Chúng ta có cơ hội gì cho thị trường mới nổi (emerging market) nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng?

Cơ hội đầu tư ở đây đến từ một tư duy rất đơn giản. Thị trường chứng khoán Mỹ, EU đã đạt đỉnh. Cơ hội tại các quốc gia này đã giảm đi đáng kể trong khi mặt bằng lãi suất lại đang tăng lên. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư không thể vì thế mà dừng lại được và phải tìm đến các địa chỉ mới. Khi đó, thị trường mới nổi sẽ là điểm đến hấp dẫn trong năm 2019” - vị chuyên gia này cho biết.

Cũng theo các chuyên gia của công ty chứng khoán (CTCK) này, trong số các thị trường mới nổi, Việt Nam được đánh giá làm một trong những điểm sáng đầy tiềm năng nếu không muốn nói là “tươi sáng nhất”. Thậm chí, đã có những kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mua ròng ngay trong những quý đầu năm 2019.

Về bối cảnh kinh tế thế giới, trong một cuộc khảo sát của BofA Merrill Lynch Global Fund Manager, phần lớn những người tham gia đã bình chọn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chính sách thắt chặt tiền tệ là những thách thức lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2019.

Nhận định về động thái thắt chặt tiền tệ, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán MB (MBS) tại buổi hội thảo MBS Talk 16 cho rằng “các quá trình bình thường hóa tiền tệ của Mỹ, EU, Nhật Bản là điều tất yếu sẽ diễn ra”.

Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước đó đã liên tục sử dụng các gói kích thích kinh tế, hạ lãi suất ở mức rất thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Khi nền kinh tế Mỹ ghi nhận những tín hiệu hồi phục trở lại, Fed cũng phải tiến hành bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các chuyên gia MBS dự báo cuộc chiến này sẽ kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, các động thái hòa hoãn trong ngắn hạn giữa 2 quốc gia này đã đem lại niềm hứng khởi cho thị trường chứng khoán. Trong một kịch bản lạc quan, hai quốc gia lớn này sẽ tìm được những sự đồng thuận. Còn trong kịch bản bi quan nhất, cuộc chiến thương mại sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn thế giới.

Đại diện của MBS cũng dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ sẽ không suy thoái trong năm 2019.

“Chỉ đơn giản là sự suy giảm tăng trưởng so với năm trước của các quốc gia này. Mỹ đã ở đỉnh của một chu kỳ tăng trưởng. Còn Trung Quốc đang trong giai đoạn “hạ cánh mềm” sau một khoảng thời gian tăng trưởng rất mạnh (kéo dài 30 năm) trên mức 7%” - chuyên gia MBS cho biết thêm.  

Về nền kinh tế Việt Nam, có lẽ không cần phải phân tích thêm về các điểm sáng nổi bật hay những “khoảng tối” cần khắc phục trong năm 2018. Nhiều CTCK nhận định năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm khởi sắc của nền kinh tế.

“Một khi nền kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều điểm sáng, xu hướng dài hạn thị trường là đi lên” - đây có lẽ là dự báo chung nhất cho TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thống kê cũng cho thấy, năm 2018, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều phiên giảm điểm với biên độ rất lớn.

MBS Talk 16
Một cách phân bổ danh mục hiệu quả được chia sẻ tại Hội thảo MBS Talk 16 của CTCP Chứng khoán MB (Ảnh: P.D)

Tổng quan hơn, cơ hội để đầu tư cho năm tới vẫn còn rất hấp dẫn nhưng song hành với đó là rủi ro cũng đang tăng dần. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia MBS đã dành hẳn một phần nội dung để khuyến nghị nhà đầu tư cách phân bổ “nguồn tiền nhàn rỗi” của mình trong giai đoạn này.

Với vị thế là một CTCK, không có gì lạ khi cổ phiếu vẫn chiếm tới 50% danh mục nhưng bên cạnh đó là các tài sản khác như: trái phiếu, tiền gửi (tiền mặt) và các khoản đầu tư khác.

Cơ hội từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu

Về thị trường cổ phiếu, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ dần giảm bớt sự ảnh hưởng từ thế giới và tăng trưởng theo câu chuyện riêng. Theo đó, câu chuyện nâng hạng thị trường được các công ty chứng khoán đặt nhiều kỳ vọng sẽ là động lực cho năm 2019 và các năm tới.

Đối với việc nâng hạng theo tiêu chí của FTSE Russell, Việt Nam đã đạt được 10/21 tiêu chí chất lượng của một thị trường mới nổi thứ cấp. Trong tháng 9/2018, TTCK Việt Nam đã được tổ chức này đưa vào danh sách theo dõi (watchlist). Theo một số dự báo, tới năm 2020, FTSE Russell sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Đối với việc nâng hạng theo MSCI, Việt Nam mới chỉ đạt được 5 tiêu chí và có tới 9 tiêu chí cần cải thiện nhưng triển vọng và đáp ứng các tiêu chuẩn này rất khả quan. Nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ được đưa vào diện theo dõi vào tháng 6/2020 và chính thức được nâng hạng vào tháng 6/2021 (trong trường hợp sớm nhất).

Theo MBS, nếu được nâng hạng, tỷ trọng các cổ phiếu của Việt Nam trong rổ MSCI Emerging Markets sẽ đạt khoảng 0,3%, thu hút được dòng vốn khoảng 4,5 tỷ USD đầu tư vào thị trường. Đây sẽ là động lực quan trọng cho TTCK trong nước.

Với kịch bản lạc quan, các chuyên gia MBS dự báo chỉ số VN-Index có thể xác lập đáy trong quý 1 và sẽ hồi phục về mức 980 - 1.100 điểm vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, với một kịch bản thận trọng hơn, VN-Index sẽ kết thúc năm tới chỉ ở mức 900 - 980 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị mua vào tại các vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index và ưu tiên giải ngân từng phần với các cổ phiếu được ưu tiên lựa chọn ở các nhóm ngành hưởng lợi từ thị trường nội địa, các hiệp định thương mại, lĩnh vực công nghệ.

Kênh đầu tư trái phiếu cũng là một thị trường giàu tiềm năng, dành cho các nhà đầu tư muốn có nguồn lợi nhuận ổn định và an toàn hơn cổ phiếu.

TCBF
Giá trị tài sản ròng (NAV) trên một đơn vị chứng chỉ quỹ của một quỹ đầu tư trái phiếu (Nguồn: TCBS)

Trong khi giá trị thị trường cổ phiếu ở Việt Nam tương đương với 63% GDP, thị trường trái phiếu mới chỉ tương đương 27% GDP với định hướng tăng lên lần lượt là 45% và 65% vào năm 2020 và 2030. Do đó, dư địa tăng trưởng của thị trường này là rất lớn.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu thường được biết tới là “sân chơi” của các tổ chức lớn. Nhà đầu tư cá nhân bên cạnh việc mua trực tiếp, có thể tham gia thị trường này bằng cách đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp của một số CTCK.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thể tìm kiếm cơ hội ở các tài sản khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ trong năm 2019. Đối với mỗi loại tài sản đầu tư, cơ hội và rủi ro lại có những đặc thù riêng biệt và song hành cùng nhau./.