VNG giảm lãi sau soát xét, thâu tóm Adtima và Fiza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong nửa đầu năm 2021, hoạt động tài chính của VNG mang về 121,5 tỉ đồng doanh thu. Trong đó, lãi tiền gửi chiếm tới 68%.
"Núi tiền" của VNG lại được bồi thêm 433,6 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2021 (Ảnh: VNG)
"Núi tiền" của VNG lại được bồi thêm 433,6 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2021 (Ảnh: VNG)

CTCP VNG vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2021, trong đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 152,6 tỉ đồng, giảm tới 68,4 tỉ đồng so với báo báo tự lập.

Nguyên nhân chủ yếu là do công ty đã điều chỉnh tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại từ 74,8 tỉ đồng lên 122,4 tỉ đồng.

Trong nửa đầu năm 2021, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.506 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục là nguồn thu chính với 2.788,7 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ quảng cáo trực tuyến và doanh thu cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet của VNG đạt lần lượt 539 tỉ đồng và 139,9 tỉ đồng, tăng 36,5% và 75% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính của VNG cũng mang về 121,5 tỉ đồng doanh thu, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi tiền gửi đạt gần 83 tỉ đồng, chiếm 68% doanh thu hoạt động tài chính.

Tại ngày 30/6/2021, lượng tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của VNG đạt 4.952,6 tỉ đồng, chiếm tới 59,8% tổng tài sản và tăng 433,6 tỉ đồng so với đầu năm.

Trong đó, VNG có 1.572,1 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và được hưởng lãi suất từ 0,17% - 3,9%/năm; và 2.477,7 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm và được hưởng lãi suất dao động từ 2% - 7,8%/năm.

VNG cũng rót vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và một số startup công nghệ nhằm hoàn thiện hệ sinh thái của mình.

Tính đến cuối tháng 6/2021, giá trị khoản đầu tư của VNG vào CTCP Zion (đơn vị quản lý, vận hành ví điện tử Zalo Pay) tăng 411,5 tỉ đồng so với đầu năm, lên mức 1.472,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, VNG cũng phải trích lập tới 946 tỉ đồng cho khoản đầu tư này, tăng 328 tỉ đồng so với đầu năm.

VNG đã đầu tư 80,8 tỉ đồng để sở hữu 20% cổ phần tại CTCP Công nghệ Ecotruck (một startup trong lĩnh vực logistics) và rót hơn 33 tỉ đồng để nắm giữ 15% vốn tại Dorocat Entertainment Co., Limited (công ty dịch vụ sản xuất game có trụ sở tại Hong Kong). Tính đến ngày 30/6/2021, VNG lần lượt ghi nhận khoản lỗ 5,65 tỉ đồng tại Ecotruck và 5,26 tỉ đồng tại Dorocat.

Tháng 2/2021, VNG còn chi ra 138 tỉ đồng để thâu tóm 29,83% cổ phần CTCP DayOne - chủ sở hữu startup quà tặng điện tử Got It. Tính đến cuối tháng 6, khoản đầu tư này của VNG ghi nhận khoản lỗ 245 triệu đồng.

Đến ngày 26/7/2021, VNG đã thâu tóm bộ đôi pháp nhân CTCP Adtima và CTCP Fiza.

Ngoài các khoản đầu tư trên, tính đến cuối tháng 6/2021, VNG còn sở hữu 1,226 triệu cổ phiếu FOC của CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT với giá vốn 111,4 tỉ đồng. Tạm tính theo thị giá chốt phiên ngày 1/9 của FOC ở mức 112.900 đồng/cổ phiếu, VNG đang lãi khoảng 27 tỉ đồng từ việc đầu tư vào cổ phiếu này./.