|
Cán cân thương mại Việt - Trung không bị ảnh hưởng nhiều
Trong tuần thứ hai của tháng 8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) so với đô la Mỹ (USD). Đặc biệt, trong ngày đầu tiên của đợt phá giá này, 11/8, PBOC đã nâng tỷ giá tham chiếu chính thức USD/CNY lên 1,9%, mức điều chỉnh mạnh nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây.
Như vậy, mặc dù PBC đã phá giá danh nghĩa tổng cộng là 4,5%, nhưng trên thực tế CNY chỉ mất giá 3,1% so với tỷ giá mở cửa đầu tuần. Ở tuần sau đó, PBC cũng có một số quyết định phá giá nhẹ CNY nhưng đây chỉ là những động thái điều chỉnh để cho tỷ giá sát hơn với diễn biến cung - cầu trên thị trường ngoại hối.
Phản ứng nhanh nhạy với quyết định phá giá này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong ngày 12/8 đã nâng biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2%; trong ngày 19/8 đã đồng thời nâng tỷ giá tham chiếu lên 1%, ở mức 21.890 VND đổi được một USD,và tiếp tục nâng biên độ giao dịch lên +/-3%.
Quyết định phá giá tiền đồng của NHNN được cho là giúp cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở những thị trường hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh thực tiếp với hàng hóa Trung Quốc, như Mỹ và EU.
Từ sau khi PBOC tiến hành phá giá đồng NDT đến ngày 1/9, CNY đã giảm 2,5% so với USD. Trong khi đó VND cũng đã mất giá 3% so với USD.
Do tỷ giá VND/CNY được tính chéo qua USD nên theo Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thực chất tỷ giá VND đã giảm giá thêm 0,5% so với CNY. Nhìn dài hơn, từ đầu năm đến nay thì mức mất giá của VND so với USD là 5,1%, của CNY so với USD là 2,6%.
Từ sau khi PBOC tiến hành phá giá đồng NDT đến ngày 1/9, CNY đã giảm 2,5% so với USD
Như vậy là VND cũng mất giá 2,5% so với CNY. Do đó, lo ngại nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ gia tăng sau động thái của PBOC là không có nhiều cơ sở. Trên thực tế, việc Việt Nam nhập siêu mạnh từ Trung Quốc hiện nay phần lớn xuất phát từ vấn đề cơ cấu kinh tế (Việt Nam chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất) và sẽ cần rất nhiều thời gian để khắc phục thực trạng này.
Ảnh hưởng thế nào đến nợ công?
Theo BVSC, quyết định phá giá tiền đồng của NHNN có thể ảnh hưởng đến gánh năng nợ công của Việt Nam. Tác động này cần được lưu tâm do quy mô nợ công của Việt Nam đã đạt đến 60% GDP vào cuối năm 2014. Đặc biệt, tác động của việc tiền đồng mất giá 5,1% trong 8 tháng đầu năm cần được xem xét trong mối tương quan với cơ cấu vay nợ theo các đồng tiền chủ chốt của Việt Nam.
Dẫn số liệu thống kê gần nhất được công bố bởi Ngân hàng thế giới, Chứng khoán Bảo Việt cho hay, đến cuối năm 2013, cơ cấu nợ công của Việt Nam (bao gồm cả nợ của doanh nghiệp do chính phủ bảo lãnh) là 53,1% bằng USD, 24,8% bằng JPY, 7,4% bằng EUR, 11,4% bằng SDR (quyền rút vốn đặc biệt của IMF), và 3,3% đến từ các đồng tiền khác.
Giả sử cơ cấu nợ trong năm 2015 vẫn duy trì ở mức vừa đề cập thì tỷ lệ mất giá 5,1% của VND so với USD trong 8 tháng đầu năm sẽ làm quy mô tuyệt đối của nợ công trong ngắn hạn của Việt Nam tăng lên 2,7%, trong điều kiện là tỷ giá của VND so với các đồng tiền chủ chốt khác như JPY hay EUR không thay đổi.
Nếu tính cả thay đổi thực tế trong cặp tỷ giá JPY/VND và EUR/VND trong 8 tháng đầu năm thì quy mô tuyệt đối nợ công của Việt Nam tăng lên khoảng 3,3%. BVSC cho rằng, việc gia tăng quy mô nợ công do phá giá tiền tệ có thể làm tăng nguy cơ Việt Nam rơi vào khủng hoảng nợ trong dài hạn, đặc biệt là trong giai đoạn 2017-2018 khi nợ công có khả năng chạm ngưỡng an toàn là 65% GDP.
Dự báo về biến động tỷ giá, BVSC cho rằng, trong các tháng cuối năm, từ góc độ chủ quan, NHNN sẽ khó có thể tiếp tục phá giá tiền đồng do khoảng cách lãi suất tiền gửi VND và USD, sau khi đã tính đến tác động của phá giá từ đầu năm, đã bị thu hẹp lại rất nhiều.
Tổng cộng mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm là 5,1% đã gần bằng biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD trung bình cũng đang vào khoảng 6%. Nếu NHNN tiếp tục phá giá thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng nội tệ, làm gia tăng áp lực đô la hóa trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến các mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, “những diễn biến đến từ kinh tế Trung Quốc (đặc biệt những động thái tiếp tục can thiệp mạnh vào tỷ giá đồng Nhân dân tệ) và khả năng tăng lãi suất của FED (với biên độ mạnh trên 0,5%) có thể là những rủi ro khách quan có thể chi phối đến quyết định của NHNN trong thời gian tới”, báo cáo kinh tế tháng 9 của BVSC nhấn mạnh.
Theo Dân trí