VN-Index lập đỉnh mới phiên đầu năm 2022, Chủ tịch SSI cảnh báo về cạm bẫy khi chứng khoán thăng hoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Việc VN-Index thiết lập đỉnh mới 1.525,58 điểm ngay phiên giao dịch đầu năm 2022 hứa hẹn TTCK sẽ có một năm tươi sáng, song cũng sẽ có nhiều cạm bẫy cần lưu ý, theo Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng.

Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào các cổ phiếu vốn hoá lớn như VIC, VHM, VPB, HPG đã giúp VN-Index bật tăng tới 27,3 điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022. Đóng cửa ở mức 1.525,58 điểm, chỉ số VN-Index cũng chính thức phá đỉnh cũ 1.500 điểm được thiết lập từ tháng 11 năm ngoái.

Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng đạt hơn 34.000 tỉ đồng, tăng khoảng 9,3% so với thời điểm cuối năm 2021, phần nào cho thấy tâm lý hưng phấn từ các nhà đầu tư.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) – cho rằng phiên giao dịch đầu năm 2022 đưa VN-Index lên đỉnh 1.525,58 hứa hẹn một năm tươi sáng nhưng cũng sẽ có nhiều cạm bẫy mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 2022 vừa công bố, SSI dự báo năm 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với thị trường chứng khoán (TTCK). Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi cơ hội cùng với một chiến lược đầu tư cụ thể, rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn có thể gặt hái được thành quả trong năm 2022.

Theo dự báo của SSI, trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020-2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3/2022. “Tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số”, báo cáo lưu ý.

SSI kỳ vọng, Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất là thêm một năm nữa. Với kịch bản cơ sở, SSI dự báo lãi suất có thể tăng nhẹ trong khoản 20 – 25 điểm phần trăm vào cuối năm.

Đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 ở mức 6,8%, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng TTCK có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện Covid-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020).

Theo VDSC, những thông tin có thể xem là tiêu cực bao gồm: (1) Lạm phát; (2) Xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vắc-xin sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế; (3) Các biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Trong bối cảnh đó, khả năng xác định thời điểm giải ngân và lựa chọn đúng cổ phiếu (stock-picking) có thể sẽ mang lại hiệu suất đầu tư tốt hơn./.