Ngày 20/1/2023, tại Hà Nội, đại hội Táo MarCom 2023 do Câu lạc bộ Tiếp thị và truyền thông Việt Nam (VMCC) tổ chức đã thu hút hơn 500 người làm tiếp thị, truyền thông chuyên nghiệp và các chủ doanh nghiệp tham gia.
Với chủ đề "The way of Marcom”, sự kiện đã giúp người tham dự nhìn lại dòng chảy 12 năm phát triển của marcom Việt và hướng đến tương lai với những đúc kết và gợi mở tri thức nhiều giá trị.
Quy tụ 10 chuyên gia và nhà thực hành marcom hàng đầu Việt Nam, trải qua 5 bài chia sẻ và 1 phiên thảo luận sâu, Táo MarCom 2023 đã khái quát lại những đặc điểm nổi bật của một giai đoạn phát triển bùng nổ của marcom Việt đồng thời đặt ra những vấn đề nóng hổi, thiết thực của công tác tiếp thị, truyền thông trong bối cảnh mới, khi mà sự thay đổi diễn ra càng ngày càng nhanh và các công nghệ mới được ra đời với tốc độ chóng mặt.
Một vòng con giáp MarCom Việt (2011 - 2023)
Đầu thập niên 2010 là thời điểm đánh dấu thập kỷ bùng nổ của online, digital với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu sâu rộng, sự hỗ trợ diệu kỳ của công nghệ kết nối, khoảng cách về kiến thức, kỹ thuật marcom bài bản chuẩn quốc tế của người Việt được thu hẹp nhanh chóng.
Không những thế, hơn một thập kỷ cũng là quãng thời gian ứng dụng, thử nghiệm, trải nghiệm đủ dài để giới marcom Việt bắt đầu chuyển sang giai đoạn hình thành nên những công thức, mô hình, trường phái của riêng mình. Tuy chưa có được những lý thuyết mang tính phổ biến và có tầm ảnh hưởng quốc tế nhưng marcom Việt đã chứng minh được tính hiệu quả trong thực tiễn kinh doanh.
Tất cả các vị diễn giả của Táo Marcom 2023 đều thừa nhận rằng 12 năm đã qua là thời kỳ vàng của marcom Việt. Đó là quãng thời gian ngành này có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Từ số người lao động trong ngành đến số học sinh đăng ký thi đại học vào các ngành, khoa liên quan; từ các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế đến sự phong phú của các chương trình học bổng, các học viện tư nhân về marcom; từ nhu cầu tuyển dụng nhân sự, mức lương cho các vị trí nhân sự và ngân sách hoạt động hàng năm cho marcom; từ các doanh nghiệp chỉ biết sản xuất và bán hàng đến các doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào giá trị thương hiệu và kinh doanh dựa trên khoa học tiếp thị… Tất cả đều gia tăng nhanh chóng và cho thấy tác động to lớn của marcom đến sự phát triển chung của kinh tế - xã hội Việt Nam.
“VMCC - cộng đồng tiên phong về Marketing và Truyền thông cũng ra đời trong giai đoạn này nhờ sự kết nối của Facebook nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn về học tập, giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày đó của giới marcom Việt.
Sau 12 năm hình thành và phát triển, với gần 70.000 thành viên, hơn 100 sự kiện chính thức được tổ chức, 7 loại (format) hoạt động được ra đời và duy trì ổn định (bao gồm: Sunday Coffee, Talk to Advisor, Du xuân Marcom, Marcom Chat, Marcom Talk, Marcom Night, Marcom Outing, Táo Marcom), chỉ riêng VMCC đã cho thấy sự đông đảo và năng động của cộng đồng những người làm tiếp thị và truyền thông tại Việt Nam”, - Ông Tuấn Hà, Chủ tịch VMCC chia sẻ.
12 năm hình thành và phát triển VMCC cũng tương ứng là giai đoạn 12 năm marcom Việt tiếp cận, học hỏi, hội nhập, tiếp biến các tri thức marcom thế giới để sáng tạo ra những cách thức chinh phục thị trường, người tiêu dùng của mình.
12 năm đó đã hình thành cho ngành marcom một lực lượng lao động chuyên biệt, đóng góp lớn vào sự ra đời và lớn mạnh của nhiều thương hiệu cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam.
Những người làm marcom Việt một mặt nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng các lý thuyết, mô hình chiến lược, sáng tạo của thế giới, một mặt tự mình đúc kết, suy nghiệm từ thực tế để có con đường đi của riêng mình, thậm chí có những người, có những tổ chức đã tạo ra được “đạo” của mình.
“Way” trong tiếng Anh có nghĩa là con đường, hành trình, tiến trình, dòng chảy. “Way" cũng có nghĩa là phương pháp, cách thức, mô hình... và “way” cũng có thể coi là đạo. VMCC lấy chủ đề “The Way of MarCom" cho sự kiện Táo MarCom 2023 cũng là với ý nghĩa này.
Con đường phía trước của MarCom Việt: Cơ hội và thách thức
Do đặc thù của lịch sử dân tộc và lịch sử phát triển nền kinh tế, ngành marcom Việt Nam ra đời rất muộn so với thế giới. Tính từ mốc 1995 khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ trở lại với Hoa Kỳ kéo theo việc các tập đoàn, nhãn hàng từ Hoa Kỳ vào Việt Nam mang theo những kiến thức, mô hình quản trị kinh doanh, quản trị marketing hiện đại thì ngành marcom Việt mới có bước hội nhập đầu tiên với marcom thế giới.
Tuy thế, với bản tính hiếu học, chăm chỉ và nhanh nhạy, những người làm marcom Việt đã tiếp thu rất nhanh các tri thức marcom của thế giới để đưa vào hoạt động kinh doanh thực tiễn của mình.
Dù là những người làm trong các doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh hay các doanh nghiệp quốc nội, đội ngũ marketer của Việt Nam cũng đều cho thấy sức học, sức làm và sức sáng tạo mạnh mẽ. Thế hệ marketer 6x, 7x ngày đó sau này nhiều người đã tiến lên các vị trí CEO hoặc Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch phụ trách marketing của những thương hiệu lớn. Tiếp ngay sau đó, lực lượng marketer và những người làm truyền thông 8x, 9x còn gia tăng số lượng nhiều hơn thế hệ trước gấp nhiều lần.
Lúc này với sự bùng nổ của online, digital, thương mại điện tử; sự ra đời của các hội nhóm, cộng đồng và các kênh kết nối, giới marcom thực sự đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng của nền kinh tế.
Họ chính là những người đã kế thừa được những gì bài bản của thế hệ trước và làm phong phú hơn, khai phá sâu hơn các lý thuyết kinh điển học được từ thế giới. Họ cũng là những người có sự cập nhật xu hướng, kiến tạo xu hướng rất nhanh nhạy để mang đến những đổi mới lớn cho doanh nghiệp và thương hiệu Việt hơn một thập kỷ qua.
Giờ đây, đứng trước một giai đoạn mới, trong một thế giới hậu Covid-19, một thế giới có đặc điểm là VUCA (Volatility - Biến động, Uncertainty - Không chắc chắn, Complexity - Phức tạp, Ambiguity - Mơ hồ), và những công nghệ mới thì có tốc độ ra đời, phát triển nhanh hơn cả tưởng tượng của con người, ngành marcom có nhiều cơ hội để bứt phá nhưng cũng sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức. Vậy những nhà lãnh đạo, quản lý và thực hành marcom thế hệ 8x, 9x và những bạn trẻ gen Z sẽ thích ứng, tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách thế nào?
Táo MarCom 2023 qua 5 bài chia sẻ và 1 phiên thảo luận cũng đã dành nhiều sự quan tâm phân tích, dự báo và đưa ra những gợi ý cho vấn đề này.
Nhìn nhận về sự thay đổi và cách thức tiếp cận với sự thay đổi, các Táo (các diễn giả) đều cùng quan điểm rằng, thay đổi là bản chất của cuộc sống và là tất yếu của thế giới ngày nay. Táo Thương mại và phân phối Phạm Vũ Tùng (Phó Tổng giám đốc phụ trách marketing của Creative Nature Group - phân phối độc quyền các thương hiệu TIGI, Davines, Moroccanoil) cho rằng: “Chỉ có những thứ chưa thay đổi thôi, còn sớm muộn chúng sẽ thay đổi", nhưng ông cũng lại cho rằng “Sự sáng tạo của con người chính là thứ không thay đổi. Chỉ có cách thức sáng tạo mới cần thay đổi để phù hợp với bối cảnh, đối tượng. Và chúng tôi chuyển động quanh điều cốt lõi này".
Trong khi đó, Táo doanh nghiệp Bùi Quang Hùng (đồng sáng lập và Giám đốc marketing chuỗi cửa hàng tóc 30Shine) lại có cái nhìn riêng của mình: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ ngành marcom thay đổi chóng mặt. Càng ngày những điều hiệu quả chúng ta làm ra càng có giá trị sử dụng ngắn lại. Bởi vậy, câu hỏi quan trọng không phải là điều gì sẽ thay đổi mà là điều gì không thay đổi hoặc chưa thay đổi”.
Nội dung của Táo MarCom luôn bao gồm 2 phần chính là tổng kết và dự báo về tương lai ngành. Ở phần dự báo của sự kiện năm nay, trả lời những câu hỏi liên quan đến việc nhìn nhận, đánh giá các xu hướng marcom trong thời gian tới, đặt trong bối cảnh tác động rất lớn của công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI, các Táo đều có những góc nhìn và sự kiến giải đáng suy ngẫm.
Táo Insight Đặng Thuý Hà - Giám đốc Thấu hiểu khách hàng NielsenIQ Việt Nam với hơn 20 năm làm việc trong ngành nghiên cứu thị trường và thấu hiểu người tiêu dùng phân tích: “Có lẽ đây là lúc chúng ta không thể nhìn khách hàng một cách mơ hồ, chung chung được nữa. Cần biết đâu là tệp khách hàng hiện tại và đâu là tệp khách hàng trong tương lai. Và phân khúc khách hàng không đơn thuần chỉ theo giới tính, thu nhập hay vùng miền nữa mà phải đi sâu vào các đặc điểm của nhu cầu, tâm lý của từng nhóm. Chúng ta cần nhìn, nghe, theo dõi khách hàng, chia nhỏ từng nhóm ra theo các loại nhu cầu, phải nhìn từ yếu tố tâm lý. Và lúc này, công nghệ, AI đang giúp chúng ta làm điều đó ngày càng tốt hơn”.
Gây ấn tượng mạnh với sự kiện bằng câu nói “Ở Vua Nệm chúng tôi không có chiến lược marketing mà chỉ có các kế hoạch marketing 3 tháng một lần", ông Nguyễn Hồng Quân - Giám đốc marketing của Vua Nệm sau đó giải thích cho khán giả hiểu về lý do của quan điểm này. Và đó cũng là câu trả lời của ông về những gì được gọi là xu hướng hay sự thay đổi: “Cái quan trọng nhất vẫn phải là chúng ta làm gì cho phù hợp với bối cảnh. Rõ ràng bối cảnh của thị trường bây giờ so với bối cảnh 10 năm trước rất khác nhau. Tệp khách hàng, sự quan tâm của khách hàng cũng hoàn toàn khác xưa. Khi mình đặt mình vào bối cảnh như thế thì mình sẽ luôn luôn phải trả lời một câu hỏi đó là: những thứ chúng ta đang làm tốt ngày hôm qua có ai còn quan tâm nữa không? Chúng ta hỏi và tự trả lời được câu hỏi ấy thì đó chính là cách chúng ta sống sót được trong tình hình hiện nay”.
Với vai trò là Trưởng ban Tổ chức Táo MarCom 2023, Phó Chủ tịch điều hành VMCC, ông Vũ Trung Hiệp (Đồng sáng lập, CEO LinkStar Event & Communication) tổng kết sự kiện với một thông điệp tâm huyết gửi tới cả cộng đồng marcom Việt Nam: “Marcom là một dòng chảy lớn nơi mỗi người làm nghề là một hợp lưu. Ai cũng có cách thức, quan điểm của riêng mình. Mong sao chúng ta tôn trọng, học hỏi nhau, và chia sẻ với nhau nhiều hơn, để ngoài việc cùng nhau phát triển tri thức làm nghề thì còn cùng nhau giữ được tâm nghề, đạo nghề và hình thành được bản sắc văn hoá marcom Việt".