|
Giảm lãi suất xuống mức cực thấp, thậm chí lãi suất âm, đang là một phong trào. Ảnh minh họa Internet |
Lãi suất âm nghe có vẻ là một đề tài tẻ nhạt, nhưng nó lại đang là chủ đề nóng của các ngân hàng trung ương trên thế giới và các nhà quan sát thị trường trong lúc này.
Chính sách lãi suất âm được đưa ra đầu tiên năm 2009 và Riksbank của Thụy Điển trở thành ngân hàng đầu tiên đưa lãi suất xuống âm. Thứ Năm vừa qua Riksbank thậm chí còn hạ lãi suất âm thấp hơn, xuống -0,5% từ mức -0,35% trước đó, theo marketwatch.com.
Đây đang là một “phong trào”, lan nhanh như virus. Từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Đan Mạch, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ, và mới nhất là Ngân hàng Nhật Bản cũng tham gia “câu lạc bộ” gây tranh cãi này. Một số ngân hàng trung ương các nước khác đang “rục rịch” các động thái tỏ ra muốn chạy theo phong trào; thậm chí Cục Dự trữ liên bang Mỹ vừa mới tăng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái, nay cũng không loại trừ một chính sách trái ngược hẳn, như tuyên bố của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, “Chúng tôi đang cân nhắc và không loại trừ khả năng đưa lãi suất về âm” - trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ thứ Năm vừa qua, theo CNN Money.
Lãi suất âm nghĩa là gì?
Gửi tiền ở ngân hàng trung ương là thông lệ của các tổ chức tín dụng thương mại. Một trong các lý do là để đáp ứng các nhu cầu dự trữ tối thiểu - phần tỷ lệ tiền gửi của khách hàng mà các ngân hàng không thể dùng cho vay thường được gửi ở một ngân hàng trung ương. Thông thường ngân hàng trung ương trả lãi suất cho những khoản tiền gửi này.
Lãi suất âm có nghĩa là những ngân hàng thương mại bị phạt vì khoản tiền dự trữ tại ngân hàng trung ương đó, thay vì trả lãi suất dương, lại được trả mức lãi suất rất thấp để thúc đẩy cho vay. Giống như thể ngân hàng mà bạn gửi tiền bắt đầu tính phí giữ hộ tiền cho bạn thay vì trả bạn một mức lãi suất dù bèo bọt.
Tại sao lại áp dụng lãi suất âm?
Đơn giản nhất, đó là sự tuyệt vọng. Lãi suất âm là một dấu hiệu cho thấy mọi công cụ tiền tệ truyền thống của một ngân hàng trung ương như hạ lãi suất xuống rất thấp, cũng đã bó tay không thể kích thích tiêu dùng và đầu tư ở một mức thích đáng.
Một phần cũng do các ngân hàng thương mại đang có xu hướng trữ tiền hơn là cho vay. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, một số ngân hàng thương mại đang trữ tiền nhiều hơn mức cần thiết bởi cho rằng họ phải rất thận trọng và lo ngại “các nguy cơ bất ngờ” do các biến động kinh tế và tiền tệ ở khu vực (như ở châu Âu), theo một báo cáo của World Bank năm 2015. Một lý do khác cho việc giữ tiền là việc giảm tốc các hoạt động kinh tế đã khuyến khích các ngân hàng trữ tiền ở các ngân hàng trung ương thay vì cho vay để giảm “chi phí cơ hội”.
Các ngân hàng trung ương hy vọng lãi suất âm sẽ giải quyết vấn đề đó, hy vọng các ngân hàng thương mại thay vì phải trả phí để “nhờ” ngân hàng trung ương giữ tiền hộ, sẽ rút tiền về và tăng cường cho vay tiêu dùng và đầu tư, và nhờ đó, sẽ thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết.
Chính sách lãi suất âm có hiệu quả không?
Rất nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại những chính sách phi chính thống như thế có thể dẫn đến hậu quả xấu, thậm chí rất xấu. Tờ The Economist đã có bài trích dẫn các nhà kinh tế cho rằng lãi suất âm có thể thậm chí “nguy hiểm” và lẽ ra không nên được áp dụng.
Ví dụ, nếu các ngân hàng quyết định chuyển phần chi phí từ lãi suất âm sang cho khách hàng, như là bắt đầu tính phí tiền gửi của khách hàng, điều đó có thể dẫn đến làn sóng ồ ạt rút tiền tiết kiệm (đem về nhà cất), sẽ khiến hệ thống tài chính cạn kiệt tiền, nền kinh tế sẽ giống như một cơ thể chảy hết máu. Còn nếu các ngân hàng “lãnh” phần chi phí lãi suất âm này, nó có thể hút hết lợi nhuận của ngân hàng và làm hệ thống tài chính trở nên bất ổn.
Nhiều chuyên gia lo ngại đây có thể là một bước tiếp theo của “chiến tranh tiền tệ” giữa các nước có nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, từ việc hàng loạt các nước phá giá nội tệ cách đây vài tháng, giờ việc hạ lãi suất ngân hàng trung ương lại cũng dẫn tới một làn sóng phá giá tiền tệ mới, bởi các nhà đầu tư sẽ chú trọng vào các loại tài sản cho lợi suất cao hơn.
Một hệ quả khác của chính sách này có thể là tình trạng bong bóng bất động sản nguy hiểm.
Thị trường bất động sản Thụy Điển là một điển hình mà trang Bloomberg ghi nhận. Sau một năm áp dụng lãi suất âm, giá nhà ở Thụy Điển tăng vọt và nỗi lo bong bóng nhà ở đang gia tăng ở đây. “Chúng ta cứ cho rằng động thái hạ lãi suất âm là không thành công”, nhà kinh tế James Pomeroy của HSBC nói với Bloomberg, “lạm phát vẫn gần mức 0, đồng tiền mạnh hơn và tăng trưởng có cải thiện, tuy nhiên cái giá phải trả là bong bóng nhà ở”.
Ngày Valentine’s năm nay với giới đầu tư ngân hàng sẽ là cảm giác “ngày tận thế” hơn là ngọt ngào. Cổ phiếu các ngân hàng châu Âu mất gần 30% giá trị trong năm nay, cổ phiếu tài chính ngân hàng Mỹ mất gần 20%, các ngân hàng Nhật Bản giảm hơn 35%. Những ngày qua, chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc và giá vàng tăng lên mạnh nhất trong bảy năm, dấu hiệu của thị trường tài chính bất ổn lớn. Tỷ lệ giữa giá vàng và giá dầu tăng lên cao nhất kể từ năm 1865, theo Deutsche Bank.
Trong cơn hốt hoảng, người ta đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đượcFinancial Times, CNBC, Bloomberg… trích dẫn đều cho rằng chính là chính sách lãi suất âm đang lan nhanh như virus mà ít người chú ý đến đang “kích hoạt” leo thang cuộc chiến tiền tệ mới là nguyên nhân lớn nhất đang gây nhiễu ý định của các nhà làm chính sách và làm rối loạn thị trường kinh tế tài chính toàn cầu.
Theo TBKTSG