Virus Corona biến chủng ở Anh, Bộ Y tế họp khẩn với WHO, CDC Hoa Kỳ và 700 điểm cầu trên cả nước

VietTimes – Sự biến chủng của virus Corona ở Anh không làm bệnh nặng thêm, mà làm tăng khả năng lây truyền tới 70%, là điều thế giới đang rất lo ngại.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu trong cả nước về phòng, chống dịch COVID-19

Lo ngại virus biến chủng

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu trong cả nước, nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả nhất trước diễn biến mới của đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào mùa dịch bệnh.

Khai mạc hội nghị diễn ra hôm nay, 23/12, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, Việt Nam đã cơ bản đã kiểm soát dịch COVID-19 thành công, song việc biến chủng của virus đã khiến mọi người lo ngại, vì thế, ngành y tế đã lập tức theo dõi chặt chẽ từ đầu. Biến chủng của virus Corona không làm bệnh nặng thêm mà làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa phát hiện chủng virus nào đột biến, nhưng không vì thế mà lơ là trong phòng, chống dịch.

Ngành y tế Việt Nam hiện đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu virus. Tới đây Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các Viện tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm ở khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng, nhằm đánh giá khả năng lây truyền, nhất là khả năng xâm nhập vào Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Dù tình huống nào vẫn phải tăng cường công tác phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Trước vấn đề mọi người đặc biệt quan tâm là vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay những người tình nguyện tiêm tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất từ 17/12 đều không có dấu hiệu bất thường - dấu hiệu đáng mừng về khả năng Việt Nam sớm có vaccine. Bên cạnh đó, có ba đơn vị đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển vaccine là IVAC, VIBAOTEC và POLIVAC. Trong đó, IVAC, VABIOTEC sẽ thử nghiệm vào 1/3/2021 ở cả hai miền Bắc và Nam. Riêng POLIVAC đang hợp tác với với các đối tác Trung Quốc, Nga để có vaccine. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các công ty nước ngoài để Việt Nam sớm có vaccine.

“Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là bên cạnh việc tìm kiếm nguồn vaccine của các công ty nước ngoài, Việt Nam phải tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, để đảm bảo nguồn ổn định và bền vững, bởi các bằng chứng khoa học cho thấy chưa có vaccine có hiệu qủa bảo vệ lâu dài” - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Phòng, chống dịch có vai trò quan trọng

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh vai trò phòng, chống dịch: Chúng ta không trông chờ hoàn toàn vào vaccine, vì thế, ngay cả khi đã có vaccine, vẫn phải thúc đẩy việc phòng, chống dịch COVID-19. Hôm nay, Bộ Y tế chính thức đẩy mạnh việc phòng, chống COVID-19 thành đợt cao điểm, để đảm bảo người dân được hưởng Tết an lành.

Một điều được Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý là phải chuẩn bị cho tình huống xấu, bởi chúng ta không biết COVID-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu. Trong khi hiện mỗi ngày có khoảng 150 người nhập cảnh trái phép, mà chỉ cần một người mang mầm bệnh đã rất nguy hiểm. Do đó, các tỉnh cần đặc biệt tăng cường quản lý người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp và trái phép.

Đại diện CDC Hoa Kỳ

Từ trường hợp quản lý lỏng lẻo người cách ly của Vietnam Airline dẫn đến các ca lây nhiễm cộng đồng cuối tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo phải tăng cường quản lý cách ly người nhập cảnh. Với các trường hợp nhập cảnh theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...) chỉ được cách ly tại nhà/nơi lưu trú khi được địa phương đồng ý.

Riêng vấn đề xét nghiệm để phát hiện sớm COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm tất cả các trường hợp có biểu bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống COVID-19; tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế, chuẩn bị lấy mẫu diện rộng, bảo đảm cơ sở điều trị trong mọi trường hợp.

Bộ trưởng Bộ Y tế đặc biệt lưu ý chủ trương tiếp tục huy động cộng đồng trong phòng chống dịch, khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế và các cơ sở y tế phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Kidong Park - Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam

Tại cuộc họp, cả ông Kidong Park - Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam và đại diện CDC Hoa Kỳ đều nhấn mạnh rằng kể cả khi có vaccine và dù hiện Việt Nam chưa có virus biến chủng, vẫn phải coi trọng việc phòng chống dịch COVID-19. Bài học thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch COVID-19 là do đã đầu tư rất nhiều năm. Với dịch COVID-19 là đại dịch lớn chưa từng có trong 100 năm qua, càng cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế vững mạnh.

Nguy cơ dịch xâm nhập trong dịp Tết

Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ dịch bệnh có khả năng tiếp tục xâm nhập nước ta là Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân về nước, mỗi tuần có từ 10-16 trường hợp dương tính, hơn nữa, đang là dịp Giáng sinh, Tết dương lịch và chuẩn bị Tết âm lịch, nên việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn, nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 thực sự hiện hữu.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Y tế) cũng đặc biệt nhấn mạnh việc quản lý cách ly tốt có vai trò phòng, chống dịch hiệu quả. Vì thế, các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định về cách ly y tế, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê

Chia sẻ về tác động của đại dịch dịch COVID-19 với toàn ngành y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết do sợ dịch bệnh, người dân không đến bệnh viện (BV) khám, chữa bệnh, dẫn đến các BV đều rất vắng – điều chưa từng có, nên thu nhập của các BV giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, yêu cầu các BV vẫn phải đảm bảo tốt mục tiêu kép là phòng, chống dịch và phát triển kinh tế -xã hội. Theo đó, các BV phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí BV an toàn, phòng khám an toàn đồng thời, phải bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh, hài lòng người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm và triển khai tốt việc khám, chữa bệnh từ xa để phòng dịch bệnh.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội ở điểm cầu Thủ đô

Từ bài học của ngành y tế Đà Nẵng, ông Lương Ngọc Khuê yêu cầu tất cả các nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều phải xét nghiệm sớm để phát hiện bệnh; hạn chế người nhà bệnh nhân vào BV thăm, thực hiện giãn cách, tăng cường thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Tất cả các ca bệnh đều sẽ phát hiện trong BV, vì thế, phải nâng cao cảnh giác.