Theo cổng giao tiếp điện tử UBND TP. Hà Nội, tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy, điện thoại... đang bị thiếu linh kiện phụ tùng nên đang bị ngưng trệ, thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng hầu hết đóng cửa không hoạt động cũng gây thiện hại cho VIC khoảng 3.000 tỷ đồng.
Được biết, VIC đã bắt đầu nghiên cứu và sản xuất máy thở hỗ trợ chống dịch Covid-19 dựa trên năng lực, máy móc của nhà máy sản xuất ô tô và điện thoại. Tập đoàn này đã sản xuất được máy thở không xâm nhập đầu tiên và chuyển đến Bộ Y tế để kiểm định hôm 13/4.
Tập đoàn này đề nghị cơ quan quản lý kéo dài gia hạn thời hạn nộp thuế lên 1 năm; miễn tiền thuế đất năm 2020 đối với các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch.
VIC cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch cục bộ chung, sớm công bố danh mục kêu gọi nhà đầu tư sử dụng đất sau khi hết dịch và tổ chức triển khai sớm các dự án đã được phê duyệt và GPMB xong.
Đại diện VIC cũng đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án được phê duyệt, không gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi hiện nay ở các sở, ngành dù đang làm tốt các công tác nhưng vẫn có tình trạng đẩy trách nhiệm sang thành phố trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG) cho biết tập đoàn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tính sơ bộ khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện nay BRG vẫn còn tồn 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.
Còn theo Tổng Giám đốc Vietnam Airline Dương Trí Thành, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt, các cơ chế đảm bảo thì cũng phải mất 5 năm doanh nghiệp mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.
Tổng Giám đốc Vietnam Airline Dương Trí Thành trao đổi tại hội nghị (Nguồn: hanoi.gov.vn) |
Được biết, sau 2 tuần giãn cách xã hội toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn có 2-5% năng lực. Vietnam Airline là hãng hàng không quốc gia được giao bay nhiều nhất với 3,3% đối với đường bay Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và một loạt các đường bay quốc tế chủ yếu là chở hàng y tế xuất khẩu…
Vì vậy, cũng như các DN, chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian dịch bệnh mà vấn đề trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, có ngành 1 đến 2 năm, thậm chí có ngành mất 3 đến 4 năm. Các gói hỗ trợ cũng cần có lộ trình, thứ tự những ngành nào mang tính chất dẫn đường thì cần phải được ưu tiên trước.
Ngoài ra, tại hội nghị, tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) kiến nghị tạo điều kiện lưu thông vận chuyển hàng hóa để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, HPG đề nghị có cơ chế đặc thù để chuyên gia nhập cảnh Việt Nam tuân thủ đúng quy định cách ly và phòng chống dịch bệnh, để tạo điều kiện cho các dự án cần chuyên gia được thực hiện đúng tiến độ, nhất là các dự án về công nghệ./.