Vinalines: tàu mua nghìn tỷ, bán vài trăm

VietTimes -- Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thông qua chủ trương bán 6 con tàu với giá rẻ trong bối cảnh kinh doanh ngày càng "lún sâu" vào khó khăn. 
Tàu Vinalines Global bán chỉ bằng 3,7% giá mua - (Nguồn Internet)
Tàu Vinalines Global bán chỉ bằng 3,7% giá mua - (Nguồn Internet)

Vinalines đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép bán 6 tàu gồm Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean và Vinalines Ruby với tổng trọng tải gần 250.000 DWT để cắt lỗ. 

Theo Vinalines, tàu Fortuna được mua với giá hơn 341 tỷ đồng và dự kiến bán với giá 34,8 tỷ đồng; tàu Vinalines Star được mua gần 378 tỷ đồng và dự kiến bán 34,4 tỷ đồng; tàu Vinalines Ocean được mua hơn 376 tỷ đồng và dự kiến bán 34,4 tỷ đồng…

Riêng với Vinalines Global, Vinalines mới đây đã thông qua Công ty cổ phần Bán đấu giá tài sản Việt Nam thông báo việc đấu giá con tàu này. Thời gian nộp hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 27/9 đến ngày 1/10 và khoản tiền đặt trước là 8,84 tỷ đồng. Dự kiến thời gian tổ chức cuộc bán đấu giá vào chiều ngày 5/10.

Được biết, Vinalines được đóng năm 1994, nay đã 22 tuổi. Tháng 1/2008, Vinalines mua tàu Jag Akshay với giá 71 triệu USD từ Great Eastern Shipping Co., Ltd. (Ấn Độ), đặt tên là Vinalines Global. Tính đến nay, Vinalines Global đã có 8 năm phục vụ cho Vinalines. Vinalines Global là tàu hàng khô, từng được đánh giá là tàu có trọng tải lớn nhất Việt Nam (73.350 DWT) do chi nhánh Vinalines TP HCM quản lý

Tuy nhiên, giá khởi điểm của con tàu hơn 73.000 DWT (nằm trong số những tàu có trọng tải lớn nhất Việt Nam) cho phiên đấu giá đầu tháng 10 tới chỉ là 2,64 triệu USD ( 58,95 tỷ), bằng 3,7% số tiền Vinalines bỏ ra mua về.

Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10% và chưa bao gồm các chi phí thực tế mà khách hàng trúng đấu giá phải thanh toán cho Vinalines đối với lượng nhiên liệu, dầu nhờn, thực phẩm còn lại trên tàu tại thời điểm bàn giao tàu.

Như vậy, sau 8 năm khai thác, mức giá khởi điểm đưa ra bán tàu chỉ bằng 3,7% so với số tiền đổ vào đầu tư để sở hữu Vinalines Global.

Vinalines từng gặp khá nhiều phiền toái sau khi nhận làm chủ sở hữu Vinalines Global. Hồi năm 2011, Vinalines Global từng bị bắt giữ tại Trung Quốc do tranh chấp thương mại, thời điểm đó, đây vẫn là tàu có trọng tải lớn nhất tại Việt Nam. Vinalines đã phải chi tới 800.000 USD để chuộc tàu về mặc dù trước đó phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu tiền chuộc lên tới 1,8 triệu USD.

Quyết định bán tàu cũ của Vinalines được đưa ra giữa bối cảnh hiện nay thị trường vận tải biển xuống thấp. Giá cước vận tải lao dốc thảm hại. Phát biểu trên báo chí, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, vào thời kỳ hoàng kim, giá cước thuê định hạn tàu lên tới 60.000 USD/ngày; trừ chi phí có thể lời đến 30.000 - 40.000 USD/ngày. Đây cũng chính là lý do khiến Vinalines đổ vốn đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực này.Thế nhưng, không may cho Vinalines là sau đó thị trường suy thoái, mức giá cước giảm chỉ còn 6.000 - 7.000 USD/ngày đã khiến các khoản đầu tư này rơi vào thua lỗ.

Hơn nữa, theo Vinalines, các tàu hàng khô nói trên đều trên 20 tuổi - độ tuổi được xác định là "già" để khai thác. Khi nguồn hàng khan hiếm, cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì những tàu già thường không có người thuê, việc neo chờ hàng dẫn đến tổn thất về doanh thu hoặc bị ép giá, bị tính thêm phí tàu già. Nếu tiếp tục khai thác trong tình trạng thị trường hiện tại và dự báo không có sự tăng trưởng đột biến trong vòng 3 năm tiếp theo, kết quả kinh doanh sẽ sớm lỗ, không trả được nợ gốc và lãi vay mua tàu.