|
Ảnh minh họa |
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ra thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và một số đơn vị thành viên.
Chi xài vô tội vạ
Theo kết luận, Vinafood 2 đã có nhiều thiếu sót, vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, công ty mẹ đã cho vay và bảo lãnh vay vốn cho Công ty CP Tô Châu, Công ty TNHH Bình Tây, Công ty TNHH MTV Lương thực Sài Gòn, Công ty CP Lương thực Hậu Giang không đúng quy định, vượt thẩm quyền được giao là 1.780 tỉ đồng. Hậu quả, tổng công ty phải trả nợ thay vốn vay ngân hàng cho Công ty CP Hậu Giang 28 tỉ đồng, khó thu hồi vốn cho vay tại Công ty CP Tô Châu 80 tỉ đồng, có nguy cơ phải trả thay nợ cho Công ty TNHH Bình Tây 93 tỉ đồng và Công ty CP Tô Châu 56 tỉ đồng.
Công ty Lương thực Tiền Giang - một trong những công ty con của Tổng Công ty Lương thực miền Nam Ảnh: MINH SƠN
Đối với các công ty hạch toán phụ thuộc, việc mua bán hàng hóa của một số đơn vị (Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty Lương thực thực phẩm An Giang, Công ty Lương thực Đồng tháp, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Bạc Liêu, Công ty Lương thực Sóc Trăng) đã vi phạm quy định hơn 62.000 tỉ đồng. Nguy cơ tổng công ty và các đơn vị bị chiếm dụng vốn, nợ khó đòi, nguy cơ mất vốn rất lớn.
Công ty Bột mì Bình Đông, Công ty Lương thực Trà Vinh, Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang, Công ty Lương thực An Giang, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Long An, Công ty Lương thực Sóc Trăng sử dụng vốn và tài sản chưa đúng quy định; ký kết hợp đồng và thanh toán khi dự án khả thi chưa được phê duyệt; mua vượt kế hoạch, sử dụng vốn ngắn hạn cho đầu tư mua sắm, huy động vốn khi chưa được tổng công ty đồng ý với giá trị hơn 3.000 tỉ đồng và 62 triệu USD.
Ngoài ra, Vinafood 2 và các đơn vị thành viên còn sai phạm về trình tự thủ tục đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án. Việc đầu tư kho chứa đến nay mới thực hiện được 35/40 dự án với tổng giá trị 1.758 tỉ đồng nhưng triển khai chậm, hiệu suất sử dụng kho chứa, thiết bị chỉ đạt từ 30%-40%... Vinafood 2 còn chi hơn 100 tỉ đồng phí hoa hồng môi giới vào năm 2013. Số chi này chưa bảo đảm công khai và thông qua HĐTV đúng quy định. Khoản 108 tỉ đồng chi phí môi giới hạch toán chưa đúng. Chưa thực hiện đúng quy định của nhà nước về thu mua lúa gạo tạm trữ, không giao dịch mua trực tiếp của nông dân, không tổ chức liên kết được thành hệ thống trong mua bán nên chưa thực hiện đúng chính sách tạm trữ lúa gạo bảo đảm cho nông dân lãi tối thiểu 30%.
Kiến nghị xử lý gần 206 tỉ đồng
Trước hàng loạt sai phạm tại Vinafood 2, TTCP kiến nghị xử lý 205,94 tỉ đồng. Theo đó, TTCP kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất xử lý khoản tiền hơn 196,6 tỉ đồng bao gồm chi phí hoa hồng môi giới xuất khẩu gạo được hạch toán vào thu nhập khác (108 tỉ đồng), việc sử dụng vượt vốn ngân sách tại dự án chợ chuyên doanh Thốt Nốt.
Vinafood 2 có trách nhiệm thu hồi 9,2 tỉ đồng và hạch toán kế toán đúng quy định khoản phải thu, khoản xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khoản trích lập dự phòng còn thiếu… TTCP kiến nghị Vinafood 2 kiểm điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn sai quy định của pháp luật, điều lệ, quy chế của tổng công ty và các đơn vị thành viên số tiền trên 9.920 tỉ đồng và gần 63 triệu USD.
Đáng chú ý, TTCP kiến nghị Bộ Công an sớm có kết luận điều tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với 2 vụ việc tại Công ty Lương thực Vĩnh Long và Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang mà TTCP đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an từ tháng 10-2014.
TTCP cũng chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP Vận tải biển Hoa Sen của Vinafood 2.
Theo NLĐ