Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với doanh thu thuần 2.172,5 tỉ đồng, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trừ đi giá vốn hàng bán, VCG báo lãi gộp 310,5 tỉ đồng, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của VCG đạt 164,9 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước báo lỗ 294,8 tỉ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh lên mức 196,9 tỉ đồng, gấp 3,6 lần so với quý 2/2021.
Kết thúc quý 2/2022, lợi nhuận sau thuế của VCG đạt 171,9 tỉ đồng, tăng 268,4 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng mức tăng 278%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VCG báo lãi sau thuế 951,8 tỉ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ, hoàn thành 67,9% kế hoạch năm.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VCG đạt 31.458,5 tỉ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng và trái phiếu) giảm 32,7% xuống còn 4.497,3 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tài sản dở dang dài hạn (bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và chi phí xây dựng cơ bản dở dang) của VCG đạt 8.010,1 tỉ đồng, gấp 3,9 lần so với đầu năm, tập trung chủ yếu vào dự án Cái Giá Cát Bà – với quy mô là 5.939,3 tỉ đồng.
Dự án này có tên thương mại là Cát Bà Amatina, do CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Mã CK: VCR) làm chủ đầu tư. Trong quý 1/2022, VCG đã mua 57,82 triệu cổ phiếu VCR, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% vốn điều lệ.
So với thời điểm cuối quý 1/2022, quy mô tài sản dở dang dài hạn tại dự án Cát Bà Amatina của VCG đã tăng thêm 3.415,6 tỉ đồng, trong đó chi phí sản xuất kinh doanh tăng 323,8 tỉ đồng, chi phí xây dựng cơ bản tăng 3.091,8 tỉ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối, tại thời điểm cuối quý 2/2022, nợ phải trả của VCG đạt 21.520 tỉ đồng, giảm 7,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn là 13.636,7 tỉ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn vốn./.