VinaCapital tài trợ 23 thiết bị y tế tại Cao Bằng, Bắc Kạn

VietTimes -- Trong 2 ngày 3/7 và 4/7, Tập đoàn VinaCapital, thông qua The VinaCapital Foundation, thông báo khoản tài trợ hơn 2 tỷ 300 triệu đồng để thực hiện chương trình Nâng cao năng lực cấp cứu nhi khoa (Critical Response) tại Cao Bằng và Bắc Kạn trong năm 2019. 

Đây là một phần thống nhất trong chiến lược hỗ trợ cộng đồng của tập đoàn nhằm góp phần hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai đất nước thông qua các hoạt động chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện ngay từ khi tập đoàn được thành lập từ 2003, đồng thời thuộc dự án phổ biến chương trình thiết thực này đến các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2018-2020.

Máy thở mới được trang bị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Máy thở mới được trang bị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.

Cụ thể, thông qua The VinaCapital Foundation (VCF), tập đoàn VinaCapital đã trao tặng Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng 1 máy thở, 2 máy áp lực dương liên tục (CPAP), 2 đèn chiếu vàng da, 2 thiết bị đo nồng độ oxy, và 2 bộ đặt nội khí quản. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và 8 trung tâm y tế huyện được trang bị 10 bộ xe đẩy thiết bị cấp cứu, 1 giường sưởi, 1 đèn chiếu vàng da, 1 máy đo điện tim và 1 bộ đặt nội khí quản. Các thiết bị này ngay lập tức được đưa vào sử dụng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân địa phương, nhất là cấp cứu cho trẻ em bị đe dọa tính mạng do đuối nước, giật điện, tai nạn và nhiều loại bệnh tật khác.

Đại diện tập đoàn VinaCapital trao bảng tài trợ gần 877 triệu đồng tại Cao Bằng
Đại diện tập đoàn VinaCapital trao bảng tài trợ gần 877 triệu đồng tại Cao Bằng

Trước đó trong tháng 5/2019, cũng từ khoản tài trợ nói trên, 31 bác sĩ và điều dưỡng tại Bắc Kạn đã tham gia các buổi tập huấn với Bệnh viện Nhi Trung ương để thực hành sử dụng và bảo trì các thiết bị này và quan trọng hơn là tiếp thu các phương pháp cấp cứu nhi khoa tiên tiến theo chương trình Advanced Pediatric Life Support (APLS) của Vương Quốc Anh, tập trung vào phản ứng nhanh và đồng bộ theo nhóm để đạt hiệu quả cứu chữa cao nhất.

Bác sĩ Nhi khoa của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng được hướng dẫn sử dụng thiết bị mới
Bác sĩ Nhi khoa của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng được hướng dẫn sử dụng thiết bị mới

Nâng cao năng lực cấp cứu nhi khoa là chương trình trọng điểm của VCF thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu hỗ trợ chuyên môn và thiết bị ngành y tế để nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, hướng đến góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Năm 2015, VCF được Bộ Y Tế khuyến khích để thực hiện chương trình này tại 25 tỉnh miền núi phía Bắc và phổ biến khóa học APLS trên phạm vi cả nước. Các số liệu theo dõi của VCF cho thấy bình quân mỗi xe đẩy với thiết bị cấp cứu có thể giúp các nhân viên y tế cứu sống thêm 2 em bé mỗi tuần, giúp trẻ em vượt qua những giây phút mong manh nhất và hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn tiếp cận điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn cho con em mình.

Đại diện tập đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
Đại diện tập đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc tập đoàn VinaCapital và Chủ tịch VinaCapital Foundation, chia sẻ: “Tôi tin rằng việc nỗ lực giúp trẻ em Việt Nam có thêm nhiều điều kiện được sống khỏe mạnh và được giáo dục bài bản là một trong những khoản đầu tư tốt nhất của VinaCapital vào tương lai của đất nuớc. Đó cũng chính là trách nhiệm của VinaCapital đối với Việt Nam, nơi đã cho chúng tôi những cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội trong suốt 16 năm qua. Năm 2018, chúng tôi đã hỗ trợ Sơn La và rất vui mừng khi nhận được những phản hồi tích cực từ các bệnh viện được hỗ trợ, giúp chúng tôi thêm tin tưởng vào hiệu quả chương trình tại Cao Bằng, Bắc Kạn và các tỉnh khác trong kế hoạch.”

Cán bộ y tế tại tỉnh Bắc Kạn sử dụng thiết bị mới.
Cán bộ y tế tại tỉnh Bắc Kạn sử dụng thiết bị mới.

Theo Tổng Cục Thống Kê tháng 12/2018, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mất đi tại Việt Nam là 21,38 trẻ/1000 ca sinh (tỉ lệ này tại các quốc gia có thu nhập cao chỉ là 5,3 trẻ/1000 ca sinh theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2016). Đáng lo ngại là tỉ lệ này cao hơn đáng kể tại các vùng nông thôn và miền núi nơi tập trung 2/3 dân số Việt Nam, trong đó có hầu hết các dân tộc thiểu số. Đó là những địa phương gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, nhiều bệnh viện huyện thiếu thốn các thiết bị cần thiết để cứu chữa cho trẻ em trong các trường hợp nguy hiểm.