CTCP Hàng không VietJet, hoạt động với tên VietJet Air, là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, có trụ sở chính tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Hãng bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2011, trở thành hãng hàng không thứ 4 của Việt Nam, sau Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietnam Aviation Service Company (VASCO).
Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng hãng hàng không giá rẻ này đã sở hữu một danh sách "scandal" khá "đồ sộ".
Máy bay "rơi tự do"
Hồi giữa tháng 8 năm 2013, tức 2 năm sau khi chính thức đi vào hoạt động, một chiếc máy bay của VietJetAir từ TP.HCM đi Bangkok (Thái Lan) đã gặp sự cố và "rơi tự do". Mặc dù may mắn là không có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra, chỉ có một tiếp viên của VJA bị thương nhẹ nhưng vụ việc này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự an toàn trên chuyến bay.
"Tiếp viên" mặc bikini
Không chỉ gặp scandal liên quan đến vấn đề an toàn, Vietjet Air còn gặp rắc rối lớn với chiến dịch quảng bá hình ảnh bằng..dàn người mẫu mặc đồ lót tạo dáng sexy trên máy bay.
Hồi tháng 9/2014, dư luận Việt Nam xôn xao khi trên mạng Internet xuất hiện bộ ảnh chụp Ngọc Trinh cùng dàn người mẫu của Công ty giải trí Venus diện bikini chụp ảnh bên chiếc máy bay của VietJet Air.
Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã phản ứng và chê bai vì hình ảnh bikini khiêu khích, có khả năng tác dụng ngược đối với một chiến dịch quảng cáo. Thậm chí, nhiều người còn phản ứng gay gắt và kêu gọi tẩy chay hãng hàng không này vì sử dụng những hình ảnh quảng cáo phản cảm để câu khách.
Ngay sau đó, đại diện VietJet Air đã lên tiếng "thanh minh" rằng đây chỉ là những hình ảnh rò rỉ từ buổi chụp hình thử của hãng theo hợp đồng với Công ty Venus, không phải là hình ảnh quảng cáo chính thức của VietJet Air. Mặc dù vậy, bộ ảnh này cũng không tránh khỏi việc đứng đầu danh sách top 10 vụ bê bối của ngành hàng không quốc tế 2014 do Yahoo! Travel bình chọn.
Chở khách đi Đà Lạt đến... Nha Trang
Chiều tối 19/6/2014, một sự việc hy hữu trong lịch sử của ngành hàng không đã xảy ra tại hãng hàng không giá rẻ VietJet Air.
Theo lịch trình, chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt có số hiệu VJ8861 xuất phát từ sân bay Nội Bài và đến Đà Lạt trong chiều ngày 19/6. Tuy nhiên, toàn bộ gần 200 hành khách đi chuyến bay VJ8861 đã được bay thẳng đến sân bay Cam Ranh - Nha Trang.
Trong khi đó, gần 200 hành khách khác đi chuyến bay VJ8575 Hà Nội - Nha Trang cùng lúc vẫn yên vị chờ ở sân bay quốc tế Nội Bài dù đã quá giờ khởi hành.
Nguyên nhân của sự nhầm lẫn hy hữu này được cho là do 2 chuyến bay của VietJet Air có lịch khởi hành gần nhau, số lượng khách tương đương nhau nên các bộ phận liên quan nhầm lẫn khi triển khai nhiệm vụ. Sai sót rất có thể xảy ra ở khâu dịch vụ mặt đất hoặc bộ phận kế hoạch bay.
Từ chối khách hàng khuyết tật
Không những gặp vấn đề về hình ảnh, VietJet Air mới đây còn gặp rất nhiều scandal liên quan đến chất lượng dịch vụ.
Hồi đầu tháng Tư vừa qua, VietJet Air bị "tố cáo" từ chối cung cấp dịch vụ cho hành khách khuyết tật. Cụ thể, ,một nữ hành khách khuyết tật đặt vé khứ hồi và lên máy bay của hãng VietJet Air từ Hà Nội vào Đà Nẵng, tuy nhiên, khi làm thủ tục về Hà Nội thì bị hãng này từ chối.
Hành khách này đã rất bức xúc với dịch vụ của VietJet Air, "Tôi rất bức xúc và tủi thân vì mình là người khuyết tật, chịu nhiều thiệt thòi rồi, đi qua nhiều nước đều được hỗ trợ rất tốt, song lại bị từ chối trên đất nước mình".
Cục Hàng không sau đó đã yêu cầu Vietjet Air công khai xin lỗi hành khách và xử lý nghiêm với Trưởng và Phó đại diện của hãng tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Ngoài ra, hãng phải nghiêm túc triển khai, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên về văn hóa ứng xử.
Khách hàng khiếu nại bị lục đồ
Hồi tháng 6 năm 2014, hành khách Nguyễn Mạnh Hà đáp chuyến bay từ Nội Bài đến Phú Quốc trên chuyến bay của hãng hàng không VietJet có số hiệu VJ8811 và đã làm thủ tục gửi hành lý. Tuy nhiên, khi xuống sân bay Phú Quốc, khoá vali đã bị cắt và ông bị mất một chiếc Ipad. Ông Hà sau đó đã khiếu nại lên ban quản lý sân bay tuy nhiên, không được giải quyết.
Mới đây nhất, ngày 23/5, một nhóm hành khách đi máy bay VJ902 của VietJet Air từ BangKok (Thái Lan) đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã khiếu nại về việc hành lý bị bung khoá và mất một số đồ đạc cá nhân, bao gồm nhiều quần áo và mỹ phẩm đắt tiền.
Cục Hàng không Việt Nam hiện đã yêu cầu VietJet Air làm việc với đơn vị có liên quan phía Băng Cốc để làm rõ vụ việc và thực hiện đúng trách nhiệm của mình với hành khách; kiên quyết xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Hoãn giờ bay
Việc hoãn giờ bay ở các hãng hàng không không phải là một trường hợp hiếm thấy nhưng với tần suất quá dày kiểu chuyện "thường ngày ở huyện" như ở VietJet Air thì lại là một vấn đề đáng lưu tâm. Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30/5 - 1/5 vừa qua, Vietjet Air có tới 175 chuyến chậm, chiếm 22,6% tổng số chuyến bay của hãng. Đây cũng là hãng hàng không dẫn đầu tỷ lệ chậm chuyến bay trong dịp này.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, hãng lại tiếp tục gây bức xúc cho khách hàng khi bị tố hoãn chuyến bay gần 6 tiếng. Theo phản ánh, ngày 20/5, chuyến bay VJ197 đi từ Hà Nội vào TP HCM, Vietjet Air trễ chuyến bay đến 6 tiếng, khiến khoảng 150 hành khách phải chờ đợi tại sân bay Nội Bài trong đêm khuya.
Theo Bizlive