Đầu tuần qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước vào ngân sách.
Tuy nhiên, hiện cả hai ngân hàng VietinBank và BIDV đều muốn giữ nguyên phương án đã được Hội đồng cổ đông thông qua hồi tháng Tư.
Lý giải điều này, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, Đại hội đồng cổ đông VietinBank 2016 đã đồng thuận giữ lại lợi nhuận. Đây là quyết định cần thiết và có ý nghĩa chiến lược để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn, tiếp tục phát triển hoạt động, đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đồng thời gia tăng sức mạnh để VietinBank hội nhập khu vực và quốc tế.
Là một trong những ngân hàng thương mại chủ lực của hệ thống, trong những năm qua VietinBank luôn duy trì đà tăng trưởng an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, là ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận của toàn ngành. VietinBank luôn nằm trong top các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam.
Hơn nữa, VietinBank cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt; trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, VietinBank đã nộp về ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng, với tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân hàng năm từ 10-16%.
“Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy tốt vai trò chi phối, chủ lực của VietinBank, có tầm cỡ khu vực, hội nhập quốc tế thành công, nên nhu cầu tăng vốn của VietinBank là rất lớn nhằm nâng cao năng lực tài chính, phát triển kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế,” ông Thọ chia sẻ.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi VietinBank đang tiến tới thực hiện tính toán vốn theo Basel II, song để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel II thì nhu cầu tăng vốn của VietinBank là rất cấp thiết. Tuy nhiên, hiện tại dư địa tăng vốn của VietinBank là tương đối hạn chế do hiện tại tỷ lệ sở hữu nhà nước tại ngân hàng này đã chạm ngưỡng tối thiểu (64,46%) theo quy định của Chính phủ.
"Do đó, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn, việc VietinBank đã đề xuất phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Phương án này cũng đã được các cổ đông thống nhất rất cao, đặc biệt trong đó có các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn của nước ngoài," lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh.
Được biết, hiện tỷ lệ an toàn vốn là một trong những chỉ số hết sức quan trọng khi đánh giá năng lực tài chính của một tổ chức tín dụng. Thực tế tỷ lệ CAR (thước đo tỷ lệ an toàn của ngân hàng) của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Singapore…
Có thể nói đây cũng là một trong những hạn chế mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần khắc phục để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh và vươn tầm ra khu vực. Chính vì vậy các cổ đông chiến lược cũng yêu cầu VietinBank phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.
Đề xuất giữ lại lợi nhuận chỉ là một trong số những giải pháp trước mắt đối với VietinBank. Bên cạnh giữ lại lợi nhuận, ngân hàng này đang triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết khác để tăng vốn và đa dạng hóa cơ cấu vốn tự có, tạo cơ cấu vốn tự có tối ưu, đáp ứng nhu cầu tăng vốn và các giới hạn phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo VietinBank kiến nghị: “Về dài hạn, VietinBank đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức không thấp hơn 50% và bảo đảm quyền sở hữu chi phối của Nhà nước tại VietinBank. Có thể xem xét nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện cho VietinBank có thể thu hút thêm các nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển hoạt động kinh doanh, qua đó phát triển hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống tài chính và phát triển hệ thống kinh tế Việt Nam.”
Theo VietNam+