Theo thông cáo báo chí được Vietfoods phát đi tại cuộc họp báo sáng nay 29-5, vào ngày 20-4-2016, Đội 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ, niêm phong 2,2 tấn sản phẩm của Vietfoods bán cho Công ty thương mại thực phẩm Hùng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gồm Hotdog xông khói, xúc xích Đức Vietfoods, xúc xích Frank Furter, xúc xích chua Thái Vietfoods.
Khi lập biên bản vi phạm hành chính, Đội 14 Quản lý thị trường Hà Nội đã quay phim, chụp hình, cung cấp thông tin cho báo chí và truyền hình với nội dung sản phẩm Vietfoods đã sử dụng chất cấm, chất gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép lưu hành sau khi lấy mẫu bốn loại xúc xích nói trên đi kiểm nghiệm cho kết quả chứa chất Sodium Nitrate 251 với hàm lượng từ 89-100mg/kg.
Tại buổi họp báo, Vietfoods đưa ra một văn bản của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế ký ngày 23-5-2016 trong đó có nêu: Cục An toàn thực phẩm có ý kiến chất Natri Nitrat INS 251 (tên gọi khác của Sodium Nitrate 251) không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cho biết hàm lượng Natri Nitrat INS 251 được phát hiện trong sản phẩm xúc xích Vietfoods từ 55 100 mg/kg là nằm trong ngưỡng an toàn cho người sử dụng.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cầm sớm tham vấn chuyên môn Cục An toàn thực phẩm và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương trước hoặc sau khi tạm giữ lô hàng để có quyết định xử lý vụ việc kịp thời, tránh gây tổn hại cho doanh nghiệp.
Theo thông tin phát đi hôm nay, Vietfoods cho biết hậu quả từ thông tin trên báo chí xuất phát từ Đội 14 Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đang ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietfoods.
“Hơn một tháng qua, cơ sở phải ngừng sản xuất, hơn 100 công nhân nghỉ việc, hàng hóa đều bị thu giữ hoặc bị trả về, thiệt hại tạm tính lên đến hàng chục tỉ đồng”, thông cáo báo chí của Vietfoods đề cập. Vietfoods khẳng định sản phẩm của Vietfoods được phép sử dụng chất phụ gia Sodium Nitrate 251 làm phụ gia thực phẩm với tác dụng ổn định màu.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, người đại diện pháp lý Vietfoods, hiện kho hàng của Vietfoods có hàng chục tấn hàng bị trả về, toàn bộ dây chuyền của Vietfoods ngưng hoạt động. Dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ Đức về cũng không sản xuất được.
“Chỉ vì một phát ngôn hết sức vô trách nhiệm của Đội 14 Quản lý thị trường Hà Nội dẫn đến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Đến nay thì doanh nghiệp chúng tôi đã được minh oan. Nhưng việc lấy lại thị trường rất khó khăn bởi thông tin đã được đăng tải trên nhiều báo chí, thông tin sản phẩm Vietfoods đã chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội… Tất cả những thông tin này đã đánh gục Vietfoods”, ông Đức nói tại buổi họp báo.
Ông Đức cho biết thêm rằng ngày 27-5 vừa qua, ông đã đến Hà Nội làm việc với Quản lý thị trường Hà Nội và đề nghị lãnh đạo Đội 14 Quản lý thị trường Hà Nội phải có lời xin lỗi Vietfoods công khai trên báo chí. Lãnh đạo Quản lý thị trường Hà Nội hứa sẽ xử lý vụ việc theo yêu cầu của đại diện Vietfoods.
Ông Đức khẳng định: "Nếu Quản lý thị trường Hà Nội không cầu thị, xin lỗi theo đơn khiếu nại thì công ty chúng tôi sẽ phải sử dụng đến công cụ pháp lý để tự bảo vệ".
Vietfoods có cơ sở sản xuất tại tỉnh Bình Dương với công suất khoảng 600 tấn mỗi tháng. Sau sự cố về sản phẩm xúc xích hồi tháng 4-2016 nói trên thì đến nay, sau khi phục hồi thì nhà máy chỉ chạy lại được khoảng 10% công suất thiết kế.
Doanh nghiệp xúc xích khác bị vạ lây
Ông Nguyễn Thành Chánh, Trưởng Phòng Kinh doanh và Tiếp thị Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long có nhà máy tại Đà Nẵng, cho biết công ty ông với công suất sản xuất khoảng 300 tấn xúc xích và đồ hộp các loại mỗi tháng cũng bị vạ lây từ "sự cố Vietfoods."
"Kể từ khi xảy ra thông tin xúc xích có chứa chất gây ung thư trên báo đài thì số lượng bán ra của đồ hộp Hạ Long từ giữa tháng 4, tháng 5 này đã giảm 30%", ông Chánh nói.“Hiện tốc độ bán hàng của chúng tôi rất chậm. Tâm lý nhiều người sử dụng e sợ xúc xích, cha mẹ cấm trẻ con ăn xúc xích. Chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng, báo đài khi đưa thông tin cần nghiên cứu đa chiều để những doanh nghiệp làm ăn chân chính không bị thiệt hại”.
Theo TBKTSG