Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác triển khai 5G theo chuẩn OpenRAN

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với các tập đoàn NTT Docomo và Rakuten, 2 nhà mạng di động lớn thứ nhất và thứ tư của Nhật Bản.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn NTT Docomo.

Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác đã dành nhiều thời gian trao đổi kinh nghiệm về triển khai 5G theo chuẩn OpenRAN. Hiện nay, các nhà mạng di động của Nhật cơ bản đã triển khai 5G OpenRAN. Đặc biệt Rakuten khi triển khai 5G OpenRAN đã làm chủ toàn bộ hệ thống phần mềm xử lý trên nền tảng cloud và chỉ mua phần radar, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư.

Cùng tham dự buổi làm việc, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã thảo luận với các nhà mạng di động của Nhật Bản về khả năng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ, dịch vụ và sản phẩm mới, khả năng cùng đầu tư trung tâm dữ liệu, cung cấp các giải pháp 5G theo chuẩn OpenRAN tại cả hai nước. Các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cũng chia sẻ về kết quả nghiên cứu phát triển thiết bị 5G tại Việt Nam, sẵn sàng cung cấp cho các nhà mạng tại Nhật Bản.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Qua các buổi làm việc với Bộ trưởng các Bộ quản lý chuyên ngành và lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn viễn thông Nhật Bản, chuyến thăm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khai mở các tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp viễn thông và ICT của hai nước, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư, đặc biệt về phát triển 5G theo chuẩn OpenRAN.

Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch mới của Nhật Bản

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham dự Ngày công nghệ thông tin Việt Nam - Vietnam IT Day 2024 lần thứ 11 tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tại đây, các đại biểu đã đề cập các hướng hợp tác chính giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong khoảng 5 - 10 năm tới, đó là: Chuyển đổi số hệ thống và ứng dụng AI; Chuyển đổi số sản xuất - Chuyển đổi xanh.

Sự kiện Ngày công nghệ thông tin Việt Nam được tổ chức tại Nhật Bản do Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ.

Theo phân tích, hầu hết các hệ thống công nghệ trong các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản trong các lĩnh vực trọng điểm đang sử dụng những hệ thống công nghệ được xây dựng từ hơn 20 năm trước. Điều này đang khiến họ có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ trên toàn cầu. Nhu cầu hiện đại hóa các hệ thống của doanh nghiệp Nhật rất lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số để có thể hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống của các cơ quan, doanh nghiệp Nhật. Các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đã nghiên cứu, triển khai sẵn sàng các mô hình AI để đưa vào ứng dụng nhằm giúp tối ưu hóa hệ thống, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật.

Về chuyển đổi số sản xuất - chuyển đổi xanh, các chuyên gia dự Vietnam IT Day 2024 cũng thống nhất rằng đây là một trọng tâm hợp tác thời gian tới, đồng thời cho biết các doanh nghiệp công nghệ Việt tại Nhật đã sẵn sàng những giải pháp quản trị sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, năng lượng và các giải pháp đo kiểm, tối ưu carbon.

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại sự kiện.

Đáng chú ý, phân tích của đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản dự sự kiện cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang định hình rất rõ xu hướng dịch chuyển tới Việt Nam trong hầu hết các ngành. Trong đó, với lĩnh vực CNTT, các doanh nghiệp Nhật đã có sự dịch chuyển và mong muốn của họ là sẽ chuyển dịch tới Việt Nam tất cả các tầng công việc, từ nghiên cứu, thiết kế cho đến sản xuất, kiểm thử.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết quan hệ hợp tác công nghệ số giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua đã phát triển nhanh, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hai nước trong hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm. Việt Nam hiện vẫn duy trì là sự lựa chọn yêu thích nhất và là đối tác chuyển đổi số lớn thứ 2 của Nhật Bản.

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), với xu hướng hiện nay, công nghiệp di động đã tập trung phát triển theo hướng mở, ảo hóa mạng truy cập vô tuyến với sự ra đời của Open-RAN (Open Radio Access Network). Trong đó, RAN là một phần của hệ thống viễn thông kết nối các thiết bị với các bộ phận khác của mạng thông qua kết nối vô tuyến không dây.

Với Open-RAN, cơ sở hạ tầng 5G có thể không còn bị phụ thuộc vào nhu cầu về phần cứng độc quyền đắt tiền và công nghệ này có những tiềm năng nhất định trong việc triển khai mạng truy cập vô tuyến, nên đã thu hút được nhiều tổ chức, nhà sản xuất tham gia vào nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm.