|
Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho rằng hành trình để Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển, một trung tâm công nghệ trong khu vực vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh: V.Anh. |
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Tổng giám đốc FPT, thông tin tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, Vươn mình”, diễn ra ngày 27-28/6, tại Hà Nội.
Cần đội ngũ triển khai chuyển đổi số hiệu quả
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ rằng Việt Nam đang trở thành trung tâm dịch vụ số quốc tế, với lực lượng lao động IT lớn, năng động, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Trong 5 năm gần đây, điểm đầu vào đại học ngành CNTT luôn nằm trong top cao, cho thấy sức hút của ngành đối với giới trẻ.
Ông Khoa dẫn hàng loạt số liệu: Hơn 54.500 doanh nghiệp công nghệ số; tổng doanh thu ngành đạt gần 152 tỷ USD (năm 2024); khoảng 1,2 triệu lao động CNTT hiện nay - nhưng đánh giá còn khiêm tốn. Theo ước tính, Việt Nam cần ít nhất 2,5 triệu người để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
"Làm sao để kỹ năng lập trình, khả năng ứng dụng AI của người Việt đứng đầu thế giới? Làm sao để Việt Nam có thể vươn lên, chiếm lĩnh 'khoảng trống' của thị trường toàn cầu?", Chủ tịch VINASA đặt vấn đề.
Nêu thực tế Việt Nam đang thu hút nhiều dòng vốn FDI lớn, ông Khoa đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã đủ năng lực và cơ chế để giữ chân nhân tài, trả mức lương xứng đáng cho lực lượng kỹ sư công nghệ? Đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ tịch VINASA cho rằng cần thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng năng lượng cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là những yếu tố nền tảng của tương lai. Và để triển khai được các chính sách KHCN, vốn là lĩnh vực mới, phức tạp, cần có đội ngũ cán bộ hiểu rõ bản chất vấn đề, có năng lực triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên, với một chiến lược quốc gia rõ ràng, các chính sách đột phá, năng lực ngày càng trưởng thành của doanh nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn, cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam “đột phá vươn mình” là vô cùng sáng rõ.
Để biến cơ hội thành hiện thực, ông Khoa đề xuất cần có sự chung tay hành động.
Chủ tịch VINASA đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường đầu tư cho hạ tầng số và đào tạo nhân lực.
Về phía doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho R&D, tập trung vào các công nghệ lõi và chất lượng sản phẩm; tăng cường hợp tác, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp và cùng nhau chinh phục các thị trường lớn hơn.
Còn về phía xã hội, ông Khoa đề xuất cần xây dựng văn hóa số, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.
Rất cần chiến lược tự chủ công nghệ
Nhắc lại những con số Chủ tịch VINASA nêu ra về sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, cho rằng đây không đơn thuần là số liệu, mà còn là minh chứng rõ ràng cho thấy công nghệ ngày nay không còn chỉ là một lĩnh vực riêng biệt, mà đã trở thành hạ tầng phát triển cốt lõi của quốc gia.
“Chúng ta không còn tranh luận về việc có nên chuyển đổi số hay không. Câu hỏi bây giờ là: Chuyển đổi nhanh đến đâu để không bị bỏ lại phía sau”, ông Tú đặt vấn đề.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP và Việt Nam trở thành trung tâm AI và công nghệ số của khu vực.
Ông Tú cho rằng AI và các nền tảng số - xanh sẽ hiện thực hóa tầm nhìn ấy khi đóng vai trò định hình tương lai nhân loại, và là trụ cột tăng trưởng của tập đoàn trong thập kỷ tới.
Cụ thể, lãnh đạo FPT cho rằng cần có chiến lược tự chủ công nghệ, lựa chọn cách đứng trên vai người khổng lồ để tận dụng những mô hình đã có, sáng tạo thêm về kiến trúc và phương pháp huấn luyện để phù hợp với đặc thù Việt Nam.
“Như thành công của DeepSeek đã cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm AI có giá trị riêng cho người Việt”, ông Tú nêu quan điểm.
Cùng với đó, Việt Nam cần tự chủ dữ liệu. Từ việc thiếu dữ liệu chất lượng cho huấn luyện mô hình lớn, phần vì hạ tầng số chưa hoàn thiện, phần vì dữ liệu chưa được chia sẻ hiệu quả, đại diện FPT nêu giải pháp rằng cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện các ngành y tế, giáo dục, hành chính công… Cùng với đó là khuyến khích chia sẻ nguồn dữ liệu công cộng, phục vụ cho nghiên cứu và phát triển
Ví dụ, khi sở hữu dữ liệu y tế có chiều sâu, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các hệ thống dự đoán và chăm sóc sức khỏe chủ động, phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người Việt.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT đề xuất có chính sách kêu gọi chuyên gia người Việt toàn cầu trở về hoặc đóng góp từ xa, nâng cao hiệu quả thực chiến qua việc hợp tác với doanh nghiệp quốc tế để chuyển giao công nghệ, đào tạo thực chiến, tổ chức các cuộc thi, giải thưởng gắn với các bài toán thực tế.