Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tài chính có trọng tâm, trọng điểm
Trao đổi riêng với VietTimes, ông Lê Hồng Quang, Tổng giám đốc Công ty CP MISA nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị khẳng định kinh tế tư nhân là động lực trọng yếu nhất thúc đẩy sự phát triển đất nước và cho rằng đây là sự ghi nhận xứng đáng và là động lực to lớn để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
“Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là thay đổi vị thế pháp lý, mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội”, ông Quang nói với VietTimes một cách tràn đầy hy vọng.

Ông Lê Hồng Quang (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 (ngày 18/5).
Theo Tổng giám đốc MISA phân tích, Nghị quyết 68 mang đến bước ngoặt cho doanh nhân và doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khi mở rộng cánh cửa tiếp cận các nguồn lực, từ vốn đầu tư, chính sách ưu đãi đến các chương trình đào tạo chuyên sâu. Đặc biệt nhất là doanh nhân, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, cũng như nâng cao vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số.
Đối với MISA, đây là khẳng định có trách nhiệm to lớn, nhưng là động lực để chúng tôi không ngừng phát triển các giải pháp công nghệ mạnh, nhanh hơn nữa, đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh tận dụng cơ hội phát triển mạnh mẽ
Nghị quyết 68 là “bệ phóng” quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận với những chương trình ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ để phát triển như chính sách về đất đai, cơ sở vật chất làm việc, đầu tư công nghệ.
Với đặc thù vừa là doanh nghiệp tư nhân, vừa là doanh nghiệp phát triển các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi số, MISA có cơ hội lớn để tăng tốc đổi mới sáng tạo, mở rộng đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ nền tảng như AI, Big Data, điện toán đám mây và các giải pháp SaaS phục vụ đa dạng nhóm khách hàng.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 còn mang lại cơ hội để MISA mở rộng hợp tác quốc tế, đưa các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” ra thị trường toàn cầu, đồng thời tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị số khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế công nghệ Việt Nam.

Ông Lê Hồng Quang cho rằng Nghị quyết 68 là động lực lớn để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chia sẻ kiến nghị để Nghị quyết 68 thực sự mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tổng giám đốc MISA đề xuất Nhà nước tiếp tục thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ưu tiên áp dụng công nghệ số trong quản lý để giảm tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tài chính có trọng tâm, trọng điểm dành cho doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp vừa, nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tháo gỡ nút thắt về vốn. Ông Quang cho rằng đây là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay. Đồng thời, Nhà nước nên phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu để phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng số, kiến thức về AI, dữ liệu lớn, quản trị số nhằm nâng cao năng lực nội tại cho doanh nghiệp.
Cần “sandbox” thể chế
Ông Vũ Xuân Nguyên, Chủ tịch HĐQT IGB Group cho rằng Nghị quyết 68 thể hiện một tư duy rất mới mẻ, thực tế và quyết liệt trong việc “trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng”. Hai trụ cột tư duy là “cởi trói” và “phát triển” đã chạm đúng những nút thắt và tiềm năng then chốt của khu vực kinh tế tư nhân.
"Về tinh thần ‘cởi trói’, IGB Group rất cần một môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch và công bằng, nhất là về tiếp cận đất đai, vốn và cơ hội đầu tư công – tư”, ông Nguyên nói với VietTimes.
Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ hay bất động sản, thủ tục hành chính, quy hoạch đất đai hoặc tiếp cận quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phát triển.

Về tinh thần “phát triển”, IGB Group tự xác định mình thuộc nhóm doanh nghiệp tiên phong, không chỉ hoạt động đơn lẻ mà tạo ra những mô hình, nền tảng, dịch vụ lan tỏa cho cả hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo và cộng đồng địa phương. Do đó, những chính sách phân loại theo năng lực và vai trò như Nghị quyết 68 đề cập sẽ giúp các doanh nghiệp như IGB được hỗ trợ đúng và trúng, tránh “dàn hàng ngang” hoặc bị lẫn trong số đông.
Chia sẻ về cơ hội, vận hội của IGB Group trong bối cảnh Nghị quyết 68 được ra đời và sẽ sớm triển khai, ông Nguyên cho rằng đây là một bước ngoặt về thể chế, tạo ra vận hội lớn cho các doanh nghiệp tư nhân có khát vọng đổi mới, dấn thân và phát triển dài hạn.
Với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ đa ngành hàng đầu Việt Nam, IGB Group đang hội tụ các yếu tố mà Nghị quyết 68 muốn thúc đẩy: Từ công nghệ, truyền thông, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, bất động sản số đến thể thao – du lịch gắn với chuyển đổi số.
Theo chia sẻ của ông Vũ Xuân Nguyên, một trong những bước đi chiến lược thể hiện rõ vai trò doanh nghiệp tiên phong của IGB là triển khai hỗ trợ các mô hình du lịch thông minh tại hàng loạt địa phương như: Mộc Châu, Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Sa Pa (Lào Cai), Mường Lay (Điện Biên), Tân Sơn, Đoan Hùng (Phú Thọ),...
Từ đó, doanh nghiệp này hỗ trợ các tỉnh, thành chuyển đổi số ngành du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách và quảng bá hình ảnh địa phương một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đây không chỉ là hoạt động đầu tư, mà còn là sự chung tay kiến tạo hệ sinh thái du lịch số mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
“Nếu chính sách được triển khai quyết liệt và minh bạch, IGB có thể mở rộng vai trò kết nối công – tư trong các lĩnh vực số hóa du lịch, nông nghiệp, thể thao và giáo dục. Đồng thời, các hỗ trợ cụ thể về đất đai, vốn tín dụng, cơ chế sandbox cho các mô hình đổi mới sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để mở rộng và tạo tác động xã hội rõ rệt hơn”, Chủ tịch IGB Group nói.

Trong bối cảnh Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ nhanh chóng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích họ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, IGB Group đư ra một số kiến nghị cụ thể.
Trước tiên, Chủ tịch IGB Group cho rằng cần xây dựng một cơ chế phối hợp đa ngành – đa cấp linh hoạt để triển khai Nghị quyết 68, tránh việc chính sách “hay trên giấy”, xuống địa phương lại tắc nghẽn do thiếu hiểu biết, sợ trách nhiệm hoặc cát cứ ngành dọc.
Thứ hai, cần có cơ chế tài chính cụ thể hỗ trợ đổi mới sáng tạo và số hóa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như có các gói tín dụng mềm, quỹ bảo lãnh rủi ro, hoặc đồng tài trợ cùng doanh nghiệp trong các dự án công nghệ ứng dụng tại địa phương.
Thứ ba, cần “sandbox” thể chế. Theo quan điểm của ông Vũ Xuân Nguyên, cần cho phép một số mô hình mới, sản phẩm mới, giải pháp mới được thử nghiệm trong khung pháp lý linh hoạt, có giám sát và có thời gian đánh giá, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản số và thể thao – du lịch gắn công nghệ.
Thứ tư, cần khuyến khích và ghi nhận sự tham gia chủ động của doanh nghiệp tư nhân trong việc đồng hành cùng chính quyền địa phương, ví dụ như IGB Group đã làm khi tiên phong tài trợ và triển khai giải pháp du lịch thông minh tại các địa phương. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc doanh nghiệp tư nhân có thể đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số nếu được “trao quyền” đúng mức.
“IGB Group cam kết đồng hành cùng quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 68, không chỉ bằng sự phát triển của chính mình mà còn bằng cách tạo ra các nền tảng mở, lan tỏa tri thức, công nghệ và tinh thần doanh nhân tới cộng đồng”, Chủ tịch IGB Group Vũ Xuân Nguyên nói.
Cần thiết lập mối quan hệ chiến lược hai chiều giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân
Cùng chung quan điểm với lãnh đạo MISA và IGB, vốn là doanh nghiệp tư nhân, đại diện VNG cũng chia sẻ rằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam, khi lần đầu tiên khẳng định khu vực tư nhân là “một trong những động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế.
“Trong hành trình xây dựng một Việt Nam số, khu vực tư nhân không chỉ là người thụ hưởng chính sách mà cần được nhìn nhận là một tác nhân kiến tạo, đồng hành cùng Nhà nước trong việc kiến thiết hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, lãnh đạo VNG nói.
Một điểm đột phá của Nghị quyết 68 nằm ở tinh thần cải cách thể chế: thúc đẩy tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và giảm chi phí tuân thủ. Những nguyên tắc như “một cửa thực sự”, “nhập dữ liệu một lần duy nhất”, “chủ động phục vụ”. Việc này không chỉ là cải tiến kỹ thuật, mà là bước chuyển về tư duy trong cách thiết kế thể chế kinh tế, chuyển từ mô hình quản lý sang mô hình phục vụ, từ bị động sang chủ động. Mô hình này, học hỏi từ các quốc gia như Estonia hay Ấn Độ, cho thấy rằng chỉ khi doanh nghiệp được “giải phóng khỏi thủ tục”, họ mới thực sự có cơ hội đổi mới và phát triển bền vững.
Dẫn dụ thực tiễn quốc tế, lãnh đạo VNG cho rằng một chính phủ số hiện đại không thể được xây dựng chỉ bằng nỗ lực của khu vực công.

"Mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cần mang tính chiến lược hai chiều: Nhà nước kiến tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, ổn định và nhất quán; còn doanh nghiệp đóng góp công nghệ, nhân lực và giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu chung”, đại diện VNG nói.
Lãnh đạo VNG nhấn mạnh việc Nghị quyết 68 đưa ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030: kinh tế tư nhân đóng góp 55–58% GDP, giải quyết việc làm cho 85% lực lượng lao động, và duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân nền kinh tế. Những con số này không chỉ là mục tiêu vĩ mô, mà là thước đo cho niềm tin và trách nhiệm mà Nhà nước trao gửi cho khu vực tư nhân.
“Chúng tôi tin rằng, nếu được tạo điều kiện để phát triển trong một môi trường ổn định, minh bạch và thuận lợi, khu vực tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể vươn mình mạnh mẽ. Không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là lực lượng đồng kiến tạo nên một Việt Nam số – hiện đại, bao trùm và vững vàng trên bản đồ công nghệ toàn cầu”, lãnh đạo VNG nói thêm.

Nghị quyết 68: “Phát pháo lệnh”, cuộc cách mạng về tư duy và thể chế

Nghị quyết 68 phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
