|
Tên lửa Brahmos của Ấn Độ |
Theo Diplomat, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đề cập nhân tố Trung Quốc cũng như quan hệ quốc phòng và thương mại trong chuyến viếng thăm Hà Nội lần đầu tiên vào ngày 3/9 tới.
Trong nỗ lực đẩy mạnh Chính sách Hướng Đông, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi sẽ tới thăm Việt Nam - đối tác chiến lược của New Dehli ở châu Á-Thái Bình Dương vào cuối tuần này. Chuyến thăm sẽ diễn ra nhân dịp ông Modi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là điểm dừng chân quan trọng thứ ba của ông Modi trong khu vực, nhấn mạnh tham vọng của Ấn Độ trong việc đẩy mạnh các tính toán chiến lược với các nước ASEAN.
Chuyến thăm sẽ đánh dấu lần đầu tiên một vị Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Việt Nam trong vòng 15 năm qua và kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Diplomat nhận định, chuyến đi này đặc biệt quan trọng khi diễn ra sau phán quyết của tòa trọng tài thường trực bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông và Bắc Kinh đã ráo riết quân sự hóa khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang nỗ lực ngăn chặn những cố gắng của Ấn Độ để gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG) đầu năm nay. Rõ ràng nhân tố Trung Quốc và quan hệ thương mại, quốc phòng sẽ là những điểm chính trong đối thoại giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Theo Diplomat, nhân tố Trung Quốc chắc chắn sẽ là điểm đáng chú ý trong chương trình nghị sự chuyến thăm của ông Modi. Cả Ấn Độ và Việt Nam trong quá khứ đều có những tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Việt Nam là một trong số các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn với Trung Quốc trên Biển Đông, Còn Ấn Độ thì lại chứng kiến diễn biến xấu đi trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc xung quanh các vấn đề đường biên giới chưa phân định, sự ủng hộ của Bắc Kinh với Pakistan trong các vấn đề khủng bố, tiểu vương quốc Kashmir do Pakistan chiếm đóng (PoK), hành động ngăn chặn Ấn Độ trở thành thành viên nhóm NSG, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương và quan trọng nhất là Trung Quốc tăng cường quan hệ quân sự với các nước ở khu vực Nam Á.
Với mong muốn các nước Đông Nam Á công nhận Ấn Độ là một nhân tố quan trọng ở châu Á- Thái Bình Dương và cân bằng quyền lực với Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng cường thúc đẩy ngoại giao đa phương và chính sách Hướng Đông. Ấn Độ và Việt Nam coi nhau như ở cùng một chiến hào trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ tự do hàng hải và đặc biệt là cùng chống lại hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, Diplomat nhấn mạnh.
Cũng như với Việt Nam, Biển Đông nằm trong lợi ích quan trọng của Ấn Độ. 50% giao thương của Ấn Độ đi qua vùng biển này và New Dehli sở hữu lợi ích khai thác dầu mỏ trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là điểm gặp gỡ giữa chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và chính sách đối ngoại của Việt Nam mà cả lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam đều nhìn thấy triển vọng hợp tác.
Ấn Độ và Việt Nam cũng cố gắng để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng. Nhiều khả năng New Dehli sẽ xuất khẩu một số lượng lớn thiết bị quân sự sang Việt Nam bao gồm cả ngư lôi chống tàu ngầm Varunastra và tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Đặc biệt Ấn Độ đã đẩy mạnh nỗ lực bán tên lửa BrahMos, một vụ liên doanh giữa Ấn Độ và Nga với Việt Nam vì nó sẽ đánh dấu sự chuyển dịch đáng kể trong cách tiếp cận của Ấn Độ từ một nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới thành nhà xuất khẩu thiết bị quân sự.
Theo Diplomat, nỗ lực xuất khẩu tên lửa BrahMos của Ấn Độ và ngư lôi Varunastra tới Việt Nam xuất phát từ mục tiêu ngăn chặn chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Nam Á trong việc Trung Quốc trang bị vũ khí cho Pakistan và ủng hộ Sri Lanka. Ngoài việc mua sắm vũ khí, Ấn Độ và Việt Nam sẽ sử dụng con đường ngoại giao song phương, biện pháp xây dựng lòng tin và tập trận chung để thúc đẩy quan hệ hai bên ngày càng sâu sắc hơn nữa.
Ông Modi cũng có thể thúc giục người đồng cấp của Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng bảo an và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Hơn nữa, vì cùng là thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hợp tác sông Mekong- sông Hằng, cả Ấn Độ và Việt Nam có thể tìm cách sử dụng các nền tảng này để thúc đẩy bền vững giữa các nước Đông Nam Á và Ấn Độ trong việc đối phó lại hành vi quân sự hóa ngày càng mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Sự sắp xếp này sẽ cực kỳ có lợi cho Ấn Độ vì nước này phấn đấu để đạt được tình trạng cân bằng quyền lực với Trung Quốc ở Đông Nam Á, Diplomat đánh giá.
Về vấn đề thương mại và đầu tư, Việt Nam vẫn được Ấn Độ đảm bảo chính sách “Tối huệ quốc” từ năm 1975 và Ấn Độ hiện tại là một trong mười đối tác thương mại chính của Việt Nam. Cùng nâng cấp quan hệ kinh tế vẫn là một chủ đề quan trọng tai cuộc họp. Quan hệ đối tác Việt Nam- Ấn Độ đã hỗ trợ rất lớn cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Thương mại song phương đã tăng đáng kể từ 500 triệu USD năm 2008 lên 5,18 tỷ USD năm 2015. Hơn nữa, với vị trí thành viên của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN và là nước ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam đã trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn với các công ty Ấn Độ. Có nhiều khả năng ông Modi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ hội đầu tư ở Việt Nam vì Việt Nam có thể là cửa ngõ quan trọng cho việc xuất khẩu trực tiếp vào thị trường rộng lớn hơn như Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Bởi vậy các lãnh đạo có thể sẽ suy xét về việc tăng cường quan hệ thương mại theo lợi thế so sánh của mỗi nước. Trong khi Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm như máy móc, điện thoại di động, phần cứng điện tử, hóa chất và cao su thì Ấn Độ có thể tăng cường xuất khẩu thủy sản, thép, dược phẩm, máy móc và bông.
Cả hai bên cũng có thể xem xét lĩnh vực khoa học và công nghệ. Việt Nam và Ấn Độ có thể ký kết các hiệp định thúc đẩy nghiên cứu hải dương học, công nghệ sinh học và nghiên cứu y học. Hơn nữa, hai bên cũng có thể có lợi từ việc củng cố quan hệ an ninh khu vực bằng việc chống lại mối đe dọa phi quốc gia như buôn bán ma túy, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Diplomat kết luận, cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, với vị thế cùng là thành viên trong nhiều diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc, Hợp tác sông Mekong- sông Hằng, WTO, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị ASEM, cả hai nước đều có thể cam kết cùng đưa những cuộc thảo luận về sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực trên các diễn đàn trên. Đề cập đến vấn đề này trên nhiều diễn đàn khác nhau sẽ hình thành nên nhận thức chung của thế giới chống lại sự hiếu chiến của Trung Quốc. Hơn nữa Ấn Độ và Việt Nam có thể quyết tâm củng cố tình đoàn kết trong việc ủng hộ lẫn nhau đối phó tham vọng của Trung Quốc. Nhiệm vụ này có thể hoàn thành bằng cách nhấn mạnh hành vi ngoan cố của Trung Quốc và sau đó đặt ra câu hỏi về tuyên bố là một bên có trách nhiệm trên trường quốc tế của Bắc Kinh.