Báo chí Ấn Độ ngày 11/8 cho biết, mặc dù chưa có thông báo chính thức về chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của thủ tướng Narendra Modi, nhưng đại sứ Việt Nam tại New Delhi vừa xác nhận với báo chí là ông Modi sẽ tới Hà Nội để thảo luận về hợp tác song phương, đánh dấu 10 năm hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối tác Chiến lược. Ông Modi chưa lên đường, nhưng Bắc Kinh đã bắn tiếng với New Delhi là không nên để cho vấn đề Biển Đông phá hoại tiềm năng hợp tác to lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo tờ Financial Express (Ấn Độ), trong buổi nói chuyện tại CLB Phóng viên nước ngoài ở New Delhi, đại sứ Việt Nam đã nêu bật triển vọng tốt cho Ấn Độ, nếu đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, vì lẽ Việt Nam vừa là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vừa đã ký kết một loạt thỏa thuận tự do mậu dịch quan trọng, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Theo giới quan sát, thủ tướng Ấn Độ Modi có thể thăm Việt Nam nhân dịp ông đến Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 4 và 5/9, nơi ông sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tới New Delhi vào ngày 12/8. Như để dè chừng Ấn Độ đề cập đến vấn đề Biển Đông, một trong cái gai trong quan hệ Ấn-Trung, Trung Quốc lại theo kịch bản cũ đã bật đèn xanh cho báo chí cảnh báo Ấn Độ là không nên can dự vào Biển Đông.
Hoàn Cầu ngày 11/8 đã khuyên New Delhi nên tránh những «rắc rối không cần thiết» liên quan đến tranh chấp Biển Đông khi tiếp đón ngoại trưởng Trung Quốc.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Trung Quốc nhắc nhở Ấn Độ rằng không nên để cho Biển Đông trở thành «một nhân tố khác» tác hại đến quan hệ song phương Trung-Ấn, đặc biệt là phương hại đến giới xuất khẩu Ấn Độ, được cho là đang rất muốn gia tăng hiện diện tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới.
Hoàn Cầu nhấn mạnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng trong những tháng gần đây do một loạt các sự cố chính trị, do dó «vì Ấn Độ không trực tiếp tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, liệu có đáng để cho vấn đề này trở thành một yếu tố khác ảnh hưởng đến hợp tác Ấn-Trung hay không ? Ấn Độ nên xem xét việc này».