Trong bài phát biểu, tướng Đức nhấn mạnh: “Rất nhiều doanh nghiệp Quốc phòng hiện nay sẽ biến chuyển thành đơn vị chiến đấu hiệu quả khi đất nước có chiến tranh”.
Ông Đức cũng dẫn chứng: Tổng công ty bay hiện nay có 25 máy bay trực thăng hiện đại. Và khi có chiến tranh xảy ra thì sẽ trở thành hai trung đoàn không quân.
Còn Tổng công ty Đông Bắc, chuyên về xây dựng của Bộ Quốc phòng, khi có chiến tranh sẽ trở thành sư đoàn công binh để phục vụ xây dựng đơn vị chiến đấu” .
Thượng tướng Lê Hữu Đức khẳng định những năm vừa qua quân đội đã mua sắm nhiều vũ khí hiện đại cho hải quân, không quân, cảnh sát biển và sắp tới sẽ hiện đại lục quân.
Đồng thời xây dựng nhiều công trình để tăng năng lực chiến đấu ở biên giới, hải đảo, đủ sức để bảo vệ tổ quốc.
Thông tin về các doanh nghiệp làm kinh tế trong quân đội, thượng tướng Lê Hữu Đức cho biết thực hiện đề án sắp xếp lại doanh nghiệp trong quân đội, từ chỗ 300 doanh nghiệp nay chỉ còn 75 doanh nghiệp đầu mối của quân đội.
Các doanh nghiệp quốc phòng này hiện nay sử dụng 187 ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách mỗi năm hơn 2 tỉ USD.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng thông tin những năm qua quân đội đã bàn giao rất nhiều đất quốc phòng cho địa phương làm kinh tế.
Cụ thể như chuyển hai trung đoàn không quân về Phú Yên và Bình Thuận để nhường đất làm sân bay Cam Ranh...
Sắp tới ba sư đoàn không quân tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng cũng sẽ di dời để giao lại đất cho địa phương.
Ngoài ra, còn điều chỉnh lại đường bay dân dụng, giúp tiết kiệm hơn 43 ngàn giờ bay, tiết kiệm cho ngân sách.
Thủy phi cơ đang đáp xuống đường băng của đảo Trường Sa lớn - Ảnh: VIỄN SỰ |
Tại phiên thảo luận đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề nghị nối dài đường băng đảo Trường Sa lớn.
Lý giải đề nghị này, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng đây chỉ là một trong rất nhiều việc cần làm ngay để “dân sự hóa các đảo tại Trường Sa”.
Những việc phải làm tiếp theo cùng với việc nối dài đường băng đảo Trường Sa lớn, theo ông Tùng là phải mở rộng các âu tàu, xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá trên khắp các đảo tại Trường Sa, nhằm phục vụ cho việc đánh bắt, chế biển hải sản của ngư dân.
Ông Tùng cũng đề nghị phải gấp rút tổ chức các tuyến du lịch ra Trường Sa vì: “Nhân dân đang khát khao lắm”.
Ông Tùng đề nghị không chỉ mở các tuyến du lịch bằng đường biển mà bằng cả đường không ra Trường Sa. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng khách sạn, khu du lịch trên biển Trường Sa, trên các rạn san hô... để đón du khách.
VIỄN SỰ theo Tuổi Trẻ