Việt Nam “quét” trùm Biển Đông từ bán đảo Sơn Trà

VietTimes -- Ngày 12.05.2016, Theo Reuters trước thềm sự kiện tổng thống Mỹ sắp sang thăm Việt Nam, Bộ quốc phòng Việt Nam đã tổ chức diễn đàn quốc phòng với các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ trong đó có hai tập đoàn nổi tiếng là Boeing và Lockheed Martin tại Hà Nội trong tuần qua.
Việt Nam “quét” trùm Biển Đông từ bán đảo Sơn Trà

Truyền thông thế giới đặc biệt quan tâm đến sự kiện này trong tình hình nóng lên ở biển Đông, gia tăng căng thẳng giữa các nước thuộc khối ASEAN và Trung Quốc, các chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ chú ý nhiều đến các hệ thống radar giám sát và cảnh báo sớm, hệ thống thông tin liên lạc, máy bay tuần biển chống ngầm P-3 Orion và nhiều loại vũ khí trang bị khác.

Tất cả đều hy vọng tổng thống Obama sẽ đưa ra tuyên bố rỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương hoàn toàn đối với Việt Nam.

Người phát ngôn của tập đoàn Lockheed Martin đã xác nhận, tập đoàn này có tham gia hội nghị trên tại Hà Nội. Tập đoàn Boeing cũng tham gia sự kiện và tuyên bố rằng động thái này “không trái” với lệnh cấm vận hiện nay của chính quyền Mỹ.

Việt Nam thực sự quan tâm đến loại vũ khí trang bị Mỹ nào? Vẫn còn là câu hỏi đối với truyền thông trong nước và thế giới. Nhưng sự có mặt của Lockheed Martin theo như tuyên bố hướng đến một nhu cầu vô cùng quan trọng của Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của đất nước. Đó là khả năng cảnh giới, giám sát và cảnh báo sớm trên không phận Việt Nam và các nước láng giềng liên quan.

Điều đó có nghĩa là, Việt Nam cần có một hệ thống radar cảnh giới,  kiểm soát không phận rộng lớn, liên kết nhiều đài radar cảnh giới, kiểm soát không lưu và điều hành các hoạt động tác chiến đường không của lực lượng không quân, liên kết và chia sẻ cơ sở dữ liệu tác chiến chiến dịch chiến thuật với lực lượng hải quân, hoạt động trên vùng nước biển Đông nhằm bảo vệ vững chắc biển trời Tổ quốc.

Có một điều thú vị là, hệ thống cảnh giới, kiểm soát không lưu và điều hành tác chiến đó đã từng có ở Việt Nam, quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng Không quân Lính thủy đánh bộ Mỹ, Hải quân và tập đoàn Lockheed Martin có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Vì các radars cảnh giới cung cấp cho Không quân Lính thủy đánh bộ Mỹ là của tập đoàn Lockheed Martin.

Mắt thần trên bán đảo Sơn Trà

Trạm Rada trên bán đảo Sơn Trà nằm ở độ cao 621m so với mực nước biển, trên đỉnh núi Sơn Trà, được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương” với bán kính quan sát của hệ thống lên đến hàng trăm km. Tầm quét sóng có thể kiểm soát cả khu vực Đông Dương đến cả Hồng Kong và đảo Hải Nam.

Hiện nay, trạm radar kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm trên bán đảo Sơn Trà thuộc biên chế của Trung đoàn radar 290, có nhiệm vụ cảnh giới và theo dõi không lưu của toàn bộ vùng nước biển Đông, bao trùm lên toàn bộ Vịnh Bắc Bộ và không phận của Lào, Camphuchia.

Với những trang thiết bị hiện đại ngày nay của các tập đoàn vũ khí trang bị Mỹ, điển hình như tập đoàn Lockheed Martin, vị trí của đài radar trên bán đảo Sơn Trà có thể kiểm soát không lưu hoàn toàn khu vực biển Đông, đảo Hải Nam, hầu hết không phận Việt Nam. Với vị trí này, trạm Radar trên bán đảo Sơn Trà trở thành mắt thần của Trung tâm cảnh báo sớm và điều hành tác chiến đường không trên toàn bộ Biển Đông và bầu trời Việt Nam. Minh chứng điều này là những bài học kinh nghiệm của Không quân Lính thủy đánh bộ Mỹ khi xây dựng căn cứ này.

Lịch sử hình thành trạm radar – Trung tâm điều hành tác chiến đường không Mỹ

Vào một đêm thứ bảy tháng 5.1965, Đơn vị kiểm soát đường không số 7 (Marine Air Control Squadron-7 MACS-7), có căn cứ tại thành phố Atsugi, Nhật Bản, nhận mệnh lệnh khẩn cấp gửi bộ khí tài, thiết bị radar di động và một nhóm trắc thủ radar đến Việt Nam, thiết lập một trạm radar tại Phú Bài, Nam Việt Nam, hướng đông nam của thành phố Huế.

Nhiệm vụ của trạm radar này là tiếp nhận nguồn thông tin cảnh báo sớm đường không từ trạm radar của Không quân Mỹ có tên là “Panama” nằm cách vài dặm về phía đông thành phố Đà Nẵng trên cao điểm 647, còn được gọi là Núi Khỉ. Buổi tối ngày hôm sau, lực lượng lính thủy đánh bộ đã vận chuyển trang thiết bị và nhân sự đến địa bàn mới, trạm radar thứ cấp đi vào hoạt động.

 
Việt Nam “quét” trùm Biển Đông từ bán đảo Sơn Trà  ảnh 1

Bản đồ miền Nam Việt Nam cho thấy vị trí của Đơn vị kiểm soát đường không số 7 Lính thủy đánh bộ Mỹ tại sân bay Phú Bài, Chu Lai, vị trí của Đại đội kiểm soát đường không số 4 Lính thủy đánh bộ Mỹ (MACS -4) trên núi Khỉ thuộc bán đảo Sơn Trà gần Đà Nẵng. Theo tập "Đông Dương Atlas", năm 1970, của Tổng cục Tình báo Quân đội, Chính phủ Mỹ.

Những nhân viên còn lại và trang thiết bị của MACS-7 được không vận đến giữa năm 1965 phục vụ các hoạt động của Không đoàn số 1 Lính thủy đánh bộ Mỹ, MACS-7 có căn cứ gần sân bay Chu Lai, Nam Việt Nam. Tại đây Lính thủy đánh bộ Mỹ đã thiết lập Trung tâm tham mưu tác chiến đường không theo phong cách của Chiến tranh Thế giới II.

Tại Trung tâm tham mưu tác chiến đường không (TAOC), các trắc thủ tiếp nhận các mục tiêu trên không từ trạm radar Phú Bài và các trạm radar khác của Lính thủy đánh bộ Mỹ bằng điện thoại hữu tuyên và vô tuyến điện báo.

Các mục tiêu đường không được các trắc thủ tiêu đồ vẽ bằng tay trên một tấm bảng bản đồ khu vực lớn bằng kính mica. Từ thông tin tóm tắt trên bảng tiêu đồ chính cùng nhiều bảng phụ trợ khác các trắc thủ điều khiển tác chiến đường không của  Lính thủy đánh bộ Mỹ điều hành lực lượng đánh chặn, đưa ra mệnh lệnh cho các khẩu đội tên lửa phòng không, thực hiện quyền kiểm soát không lưu, điều khiển các máy bay tiếp dầu tiếp cận các máy bay không kích hết nhiên liệu, hỗ trợ cứu hộ đường không và điều khiển các nhóm máy bay đồng minh, thân thiện trong khu vực.

MACS-7 đã thực hiện các hoạt động kiểm soát và điều hành tác chiến đường không trong hai năm tiếp theo.

Đơn vị kiểm soát đường không số 4 Lính thủy đánh bộ Mỹ MACS 4 đúng ra đã triển khai vị trí tại địa điểm của MACS 7 nhưng  Bộ tư lệnh lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ cho biết triển khai trên địa điểm ở Chu Lai, cần phải tìm một địa điểm khác phù hợp với khả năng hệ thống radar mới của MACS - 4. Tháng 11.1966, một nhóm kỹ sư radar từ MACS-4 đến Việt Nam để chọn một địa điểm tiến hành xây dựng TAOC mới. Nhóm nghiên cứu đã xem xét các địa điểm trên các khu vực Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Kỳ Hà, với định hướng nhiệm vụ của họ sẽ là hỗ trợ cho quân đoàn  trách nhiệm của họ sẽ bao gồm Vùng chiến thuật I hướng Bắc và MACS-4  hỗ trợ các máy bay chiến đấu trở về sân bay Chu Lai và Đà Nẵng sau khi không kích ở miền bắc Việt Nam.

Hơn thế, MASC – 4 cần một vị trí tốt có thế kết nối Hệ thống dữ liệu chiến thuật Hải quân (NTDS) A-Link với các tàu Hệ thống cơ sở dữ diệu chiến thuật Hải quân (NTDS) ở Vịnh Bắc Bộ. Vị trí đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu đã nêu trên là đỉnh đồi 647, được gọi là Núi Khỉ, trên bán đảo Sơn Trà nhô ra biển phía đông Đà Nẵng.

Tại cao điểm này, radar có tầm quan sát toàn bộ không phận phía phía Bắc Việt Nam và một hành lanh thông tin thuận tiện dành cho truyền thông chiến thuật với các chiến hạm NTSD trên biển Đông.

Trung tâm TAOC và đài radar quan sát rất gần với một khẩu đội tên lửa phòng không Hawk và chỉ cách trạm radar truyền thông của không quân Mỹ có mật danh là “Panama” khoảng hơn một dặm, trạm này được không quân Mỹ thiết lập vào năm 1962, kết nối thông tin với Bộ chỉ huy không quân chiến trường Mỹ ở Thái Lan với các căn cứ không quân tại miền Nam Việt Nam .

MACS - 4 sẽ được phép liên kết dữ liệu tự động không chỉ với khẩu đội tên lửa phòng không địa phương mà còn liên kết với các khẩu đội tên lửa phòng không Hawk tại Đà Nẵng, đèo Hải Vân, Chu Lai.

Tổ hợp tên lửa phòng không Hawk, được Mỹ bố trí trên bờ biển miền Nam Việt Nam

Trong giới lãnh đạo Nhà Trắng, Không quân mất điểm nghiêm trọng trước Lính thủy đánh bộ Mỹ. Đơn vị đầu tiên trên chiến trường tổ chức được một Trung tâm tự động điều hành tác chiến đường không và kiểm soát không lưu trong vùng tác chiến mở rộng.

Không quân Hoa Kỳ đề xuất thay vì MACS-4 , hệ thống trang thiết bị Trung tâm dữ liệu tác chiến Lính thủy đánh bộ (MTDS) bao gồm cả radars thuộc TAOC nên được giao cho Không quân và do các trắc thủ không quân quản lý. Trong lịch sử quân đội Mỹ đã không ít lần Không quân đưa ra đề xuất làm chệch hướng các dự án MTDS và chuyển hướng nguồn vốn để phát triển Không quân Mỹ. Chính vì vậy tại Bộ tư lệnh lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ đã kiên quyết phản đối và tuyên bố, nếu MTDS đã đến Việt Nam, nó sẽ được vận hành bởi Lính thủy đánh bộ .

Đầu năm 1967 đơn vị MACS-4 đã cùng với Không đoàn số I Lính thủy đánh bộ triển khai trạm radar kiểm soát đường không tại Đồi 647 và lắp đặt trang thiết bị. Toàn bộ trang thiết bị của MTDS với radars được lắp đặt nhanh chóng, ngoại trừ những tổ hợp máy chủ lưu trữ dữ liệu liên kết chiến thuật Hải quân. Tổng số có 16 tổ hợp thiết bị MTDS bao gồm cả radar và 4 tổ hợp máy chủ dữ liệu chiến thuật hải quân (TDCC).

Đơn vị MACS – 4 có trong biên chế các loại radar là:

AN/TPS-22  radar cảnh giới và kiểm soát tầm xa

AN/TPS-34 radar cảnh giới và kiểm soát tầm trung,

AN/TPS-37 radar cảnh giới độ cao,

AN/UPS-l  radar cảnh giới tầm gần

Không còn nhiều thông tin về các loại radars Mỹ lắp đặt cho đơn vị MACS-4, theo thông tin của những cựu binh Mỹ đã tham gia kíp trắc thủ điều khiển hệ thống MTDS trên núi Khỉ thì tầm xa hoạt động của radar AN/TPS – 22 vượt quá 700 km.

Thông số kỹ thuật của radar cảnh giới tầm trung Radar AN / TPS-34:

Radar AN / TPS-34, cùng với hệ thống máy tính GL161 một thành phần của NTDS A-link. Tầm xa hoạt động đến 250 hải lý.  Tần số: 1250 - 1350 Mhz, Bước sóng: L-band; Tốc độ quay quét:  6 vòng trên phút; Dây anten phát xạ chùm tia kép đồng trục, công suất : 5000 kW x2, tầm xa hoạt động từ 2 nm ở 250 nm (4- 463 km), độ phân giải khoảng 1500 yards (1372 m).

Đơn vị kiểm soát đường không Lính thủy đánh bộ Mỹ số 4 đóng quân trên bán đảo Sơn Trà gần Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng và sân bay có thể được nhìn thấy trong nền ảnh. Mái che radar màu xám là radar cảnh giới và kiểm soát không lưu tầm xa AN / TPS-22 và mái vòm màu trắng ở phía trước là radar cảnh giới AN / TPS-34. Ảnh  Không quân Mỹ.

Toàn cảnh địa bàn hoạt đồng của đơn vị MACS-4 MTDS trên núi Khỉ, bên trái hình có ăng ten HF dạng vòng (AS-1310 ) dùng cho truyền thông  kết nối hệ thống dữ liệu chiến thuật của hải quân (NTDS - Naval Tactical Data System). Ảnh của Lính thủy đánh bộ Mỹ.

Đài radar cảnh giới tầm xa AN/TPS - 22 trước khi triển khai

Trung tâm điều hành tác chiến đường không TAOC trên bán đảo Sơn Trà

Đơn vị MACS-4 Trung tâm điều hành tác chiến đường không  được kết nối thông tin với các Đơn vị kiểm soát chiến thuật đường không trên các căn cứ không quân Lính thủy đánh bộ Mỹ (USMC)  bởi đài thu phát truyền tiếp để các máy bay chiến đấu của Lính thủy đánh bộ Mỹ có thể trao đổi thông tin giữa các Trung tâm điều hành tác chiến đường không (TAOC), kiểm soát đường bay, tiếp cận mục tiêu và quay trở về căn cứ hạ cánh. Đơn vị MACS-4 và Trung tâm điều hành tác chiến đường không (TAOC) bước vào hoạt động tháng 7.1967, đồng thời đơn vị MACS-7 ngừng hoạt động trở về Trại Pendelton nhận thiết bị MTDS mới.

Không quân Mỹ triển khai trung tâm truyền thông chuyển tiếp thông tin, kết nối từ Bộ chỉ huy tác chiến không quân Mỹ ở Thái Lan với nhưng căn cứ không quân ở Việt Nam bằng các anten truyền thông vô tuyến có độ cao lên đến 36.5m. Trung tâm truyền thông của không quân Mỹ có mật danh là Panama.

Hải quân và máy bay của Lính thủy đánh bộ Mỹ, thông qua MACS – 4 có thể hoạt động như một lực lượng thống nhất dựa trên cơ sở Hệ thống dữ liệu chiến thuật Lính thủy đánh bộ (MTDS) và Hệ thống dữ liệu chiến thuật Hải quân (NTDS) bằng đường truyền thông vô tuyến NTDS A-Link (định danh NATO là Link 11). Nhưng không có sự kết nối tự động giữa Lính thủy đánh bộ / Hải quân và Không quân, mặc dù Lực lượng không quân đã có một hệ thống radar - máy tính bao gồm các radar giám sát và trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến liên kết với nhau trong vùng không chiến bao phủ gần như tất cả các nước Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Hệ thống radar của không quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, báo cáo của Không quân Mỹ

Do trung tâm truyền thông chuyển tiếp Panama nằm gần với MACS-4, khi cần liên kết phối hợp, trung tâm Panama buộc phải cử người sang MTDS cùng điều phối các hoạt động tác chiến trên chiến trường miền Bắc Việt Nam, phối hợp cùng với Hải quân thực hiện nhiệm vụ cứu hộ phi công không quân trên Vịnh Bắc Bộ, thông tin của Không quân được cung cấp bằng điện thoại.

Xem tiếp nội dung