Việt Nam phấn đấu lọt Top 70 về xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Theo Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Lê Hồng Hà: “Cải thiện xếp hạng Chính phủ điện tử góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, do đó phải đặt mục tiêu này lên hàng đầu”.

Ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam
Ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam

Đánh giá tại Hội thảo công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 - Phổ biến Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh và quốc gia, ông Lê Hồng Hà đã trình bày về các chỉ số xếp hạng chuyển đổi số của Việt Nam trong 6 năm qua. Qua đó, ông cũng nêu một số giải pháp trong thời gian tới, nhằm đưa Việt Nam đạt mục tiêu cải thiện xếp hạng Chính phủ điện tử trong tầm nhìn 2025 – 2030.

Theo báo cáo xếp hạng Chính phủ số năm 2020 do Liên Hợp Quốc công bố, xếp hạng chung của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia. Thứ hạng này cải thiện 2 bậc so với năm 2018, tuy nhiên vẫn tồn tại các chỉ số thành phần bị tụt hạng mạnh như Dịch vụ công Trực tuyến và Dữ liệu chính phủ mở. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cải thiện chỉ số Hạ tầng Viễn thông với mức tăng 72,1%, chỉ số Hạ tầng Nhân lực tăng 3,6%.

Xét trong khu vực ASEAN, xếp hạng của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở vị trí thứ 6/11, nằm ở mức dưới trung bình. Trước đó, Việt Nam đã từng xếp thứ 4 trong khu vực vào năm 2012, nhưng sau đó lùi xuống vị trí thứ 5 trong năm 2014 và giữ vị trí thứ 6 trong 3 kỳ liên tiếp kể từ năm 2016.

“Việt Nam nhìn chung có tăng xếp hạng trên thế giới, tuy nhiên lại thụt lùi trong khu vực. Đây là minh chứng cho thấy quá trình chuyển đổi số có cải thiện, tuy nhiên các nước trong khu vực đang tiến nhanh hơn chúng ta” – ông Lê Hồng Hà nhận định.

Việt Nam cần thoát khỏi “bẫy xếp hạng trung bình” về Chính phủ điện tử

Phó Chủ tịch Hội Tin học đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam hiện nay đang “mắc kẹt” ở mức trung bình do chưa phát triển đồng đều các chỉ số thành phần. Nhằm hướng tới mục tiêu lọt Top 70 thế giới, Top 4 ASEAN trong năm 2025, Chính phủ và các địa phương cần có phương án triển khai đồng bộ, phát triển toàn diện.

Trao đổi với VietTimes, đại diện Hội Tin học hóa đề xuất: “Cần có phương án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực. Cụ thể, các cơ quan nhà nước cần đưa dịch vụ công trực tuyến ứng dụng nhiều hơn, đồng thời nâng lên mức cao hơn (cấp 3, cấp 4) để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, lao động, phúc lợi xã hội, môi trường, tài chính”.

ông Lê Hồng Hà nói về cách để Việt Nam thăng hặng trên bảng xếp hạng Chính phủ Điện tử thế giới

Bàn về thực trạng đầu tư vào chuyển đổi số không đạt hiệu quả tại một số địa phương, ông Lê Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân do giải pháp chưa phù hợp, cũng như cách quản lý, tổ chức chưa đi vào trọng tâm.

“Một số địa phương hiện nay cơ bản chưa có thiết kế về tầm nhìn tổng thể, vì vậy đầu tư chuyển đổi số không hiệu quả như kỳ vọng. Về mặt tổ chức, các địa phương cơ bản giống nhau, vì vậy có thể ban hành bộ chỉ số tổng cho các địa phương. Đồng thời, điều tiên quyết để chuyển đổi số thành công là chuyển đổi ý thức, chuyển đổi thể chế. Muốn làm được điều này, các cơ quan nhà nước phải thay đổi tư duy toàn diện, hoàn thiện hành lang pháp lý trước khi định hướng cụ thể, khuyến khích chuyển đổi số đến từng địa phương” – ông Hà nêu ý kiến.

ông Lê Hồng Hà nói về việc đầu tư công không hiệu quả, và sự cần thiết có bộ chỉ số đánh giá chung cho các địa phương

Bên canh đó, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cũng nhấn mạnh những điểm đáng lưu ý trong Quyết định số 749/QĐ-TTg, đề cập đến “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Song song đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP về "Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025".