Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc, Philippines đàm phán song phương về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ việc thảo luận các tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến nhiều bên cần được thực hiện qua hình thức đàm phán đa phương.
Ông Lê Hải Bình

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là hoan nghênh các bên tranh chấp ở Biển Đông giải quyết bất đồng bằng biện pháp hoà bình, hữu nghị, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo chiều 30/3.

Ông Bình trả lời câu hỏi về việc Philippines và Trung Quốc sắp đàm phán song phương về tranh chấp Biển Đông vào tháng 5 tới. 

"Với các tranh chấp liên quan đến hai bên, thì giải quyết thông qua các biện pháp song phương. Đối với các tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì phải có sự tham gia của các bên liên quan", người phát ngôn nói.

Chính quyền Philippines ngày 29/3 xác nhận Trung Quốc và Philippines sẽ mở đàm phán trực tiếp về tranh chấp trên Biển Đông vào tháng 5. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, Trung Quốc đã đề nghị mở cuộc họp của một «cơ chế tham vấn song phương» với Philippines nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp hàng hải». Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, đây là một đề xuất mới, một cơ chế tham vấn song phương đặc biệt về Biển Đông.

Vào năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực The Hague đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông, bao gồm cả các khu vực tranh chấp gần bờ biển các nước láng giềng. Phán quyết này nhằm đáp ứng đơn kiện của Philippines.

Thế nhưng, theo hãng AFP, khi lên cầm quyền vào năm ngoái, tổng thống Philippines Duterte đã coi nhẹ phán quyết này, để quay sang bắt tay với Bắc Kinh nhằm tìm kiếm hàng tỷ USD trong thương mại và đầu tư từ Trung Quốc.

Trung Quốc cho đến nay đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, luôn luôn đòi đàm phán song phương với từng bên tranh chấp, thay vì đàm phán đa phương như Philippines trước thời ông Duterte từng chủ trương.

Theo các nhà phân tích, các cuộc đàm phán trực tiếp với các nước láng giềng nhỏ hơn sẽ cho phép Trung Quốc gây áp lực chính trị và kinh tế to lớn của mình trong một khu vực phụ thuộc rất nặng nề vào thương mại với Trung Quốc.

Ông Charles Jose cho biết thêm, Trung Quốc không đặt ra điều kiện tiên quyết nào khi mời đàm phán song phương vào tháng 5, do đó,  ông cho rằng: «Điều quan trọng là chúng ta có phương tiện hòa bình để giải quyết tranh chấp».

Phát ngôn viên của tổng thống Philippines, Ernesto Abella, cho biết đây là một trong những vấn đề được thảo luận trong cuộc họp giữa tổng thống Rodrigo Duterte và đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa tại thành phố Davao hôm 27/3.

Tổng thống Duterte dự kiến trở lại Trung Quốc vào tháng 5 tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành Đai, Một Con Đường” theo lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Duterte đã có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 10/2016.

Theo bộ ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc và ASEAN dự kiến cũng sẽ họp về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông vào tháng 5 này.