Việt Nam lần đầu tiên có cổng mua sắm xuyên biên giới

Để mua hàng hóa tại nước ngoài, người tiêu dùng Việt Nam có thêm công cụ là cổng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới vừa được triển khai.
Người tiêu dùng Việt Nam có thể mua đồ thời trang quốc tế với giá tốt, nhanh chóng và đảm bảo hơn. Ảnh:Dailytelegraph
Người tiêu dùng Việt Nam có thể mua đồ thời trang quốc tế với giá tốt, nhanh chóng và đảm bảo hơn. Ảnh:Dailytelegraph

WeShop vừa ra mắt ngày 15/5 là cổng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam, được phối hợp xây dựng bởi Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peacesoft), tập đoàn WeShop (Singapore) và Interpark (Hàn Quốc). Dựa trên nền tảng cổng mua sắm xuyên biên giới đa quốc gia WeShop đã được triển khai ở Singapore, Malaysia, Indonesia, kết hợp với thương mại điện tử Việt Nam và Hàn Quốc, khách hàng thông qua WeShop Việt Nam có thể mua hơn 200 triệu sản phẩm từ các thương hiệu quốc tế như Forever 21, Topshop, H&M... hoặc những món đồ được bán trên Amazon, eBay hay GMarket.


Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peacesoft), một trong 3 đơn vị tham gia thành lập cổng giao dịch nhận định khi thị trường trong nước đã phát triển, doanh nghiệp sẽ chuyển hướng bán hàng hóa ra nước ngoài để có lợi nhuận tốt hơn. Thương mại điện tử xuyên biên giới nhắm vào tâm lý của khách hàng muốn mua một món hàng ngoại không có mặt ở thị trường trong nước với giá rẻ và đảm bảo.
Trên trang WeShop, khách hàng chọn đồ, tạo đơn hàng, thanh toán nội địa bằng tiền mặt hay qua thẻ, ví điện tử, sau đó hàng hóa sẽ được chuyển về tận nhà. Dịch vụ này cũng đi kèm với việc xử lý khiếu nại sau bán hàng, đổi trả sản phẩm theo yêu cầu. 

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận xét sự ra đời của WeShop đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam, bởi đây sẽ trở thành đối trọng với những đơn vị kinh doanh hàng xách tay và bớt cho người tiêu dùng những chi phí nếu phải mua hàng trực tiếp.

Theo số liệu thống kê, tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu năm 2014 đạt 1.400 tỷ USD, tăng 17% mỗi năm. Trong đó, thương mại xuyên biên giới đạt khoảng 300 tỷ USD, chiếm hơn 20% nhưng có mức tăng trưởng tới 45% một năm.  

Theo: VnExpress