Theo AsiaTimes, vì quan hệ của Nga với phương Tây đang xấu dần đi, Việt Nam sẽ khó khăn hơn để cân bằng chiến lược quan hệ đa phương. Trong khi rất nhiều nhà quan sát nhận xét chuyến thăm của tuần dương mẫu hạm USS Carl Vinson tới cảng Đà Nẵng là một biểu tượng đột phá trong quan hệ Việt Mỹ thì Nga vẫn đang là một đối tác nổi trội với Việt Nam về quốc phòng.
Dù uy lực của tàu sân bay Mỹ có một tầm quan trọng lớn, chuyến viếng thăm thiên về diễn tập quyền lực mềm hơn với việc những người lính Mỹ chơi bóng đá, nhạc rock and roll và thăm các trại trẻ mồ côi hơn là biểu diễn cơ bắp quân sự. Với việc thể hiện quan hệ công chúng nhiều hơn là đối thoại chiến lược, chuyến viếng thăm dù sao cũng thể hiện một sự xây dựng lòng tin lớn giữa Mỹ và Việt Nam hướng tới mục tiêu đối phó những căng thẳng đang dấy lên trong khu vực.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang gặp tổng thống Putin tại Kremlin vào tháng 6.2017.
Nhưng đây chỉ là một phần câu chuyện. Trong khi Mỹ đã giữ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trong nhiều thập kỷ với Việt Nam thì Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam với số lượng lớn. Kể từ năm 2011 tới 2015, 93% vũ khí của Việt Nam được mua từ Nga. Việt Nam cũng là thị trường vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới của Nga chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Với quan hệ đồng minh kể từ thời Chiến Tranh Lạnh, Việt Nam tin cậy vào vũ khí của Nga. Việt Nam có quan hệ quốc phòng dài lâu và mạnh mẽ với Moscow kể về độ tin cậy chiến lược. Nòng cốt của việc làm "đối tác chiến lược toàn diện" của cả hai bên là nền tảng quan trọng trong chiến lược quốc phòng và ngoại giao đa phương của Việt Nam.
Ngược lại, AsiaTimes cho rằng Mỹ và Việt Nam chia sẻ quan điểm "đối tác toàn diện" một cách vừa phải hơn - thuật ngữ được hai nước sử dụng kể từ khi cải thiện mối quan hệ song phương kể từ năm 2013. Việt Nam cũng chia sẻ mối quan hệ "đối tác toàn diện" song phương với 11 nước khác. Dù việc tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vào năm 2016 và chuyến viếng thăm của tàu USS Carl Vinson biểu thị một cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam thì Nga đã và sẽ là nhà cung cấp hàng đầu về vũ khí cho Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tại Biển Đông.
AsiaTimes đánh giá, Việt Nam là một nhà nhập khẩu vũ khí lớn với quy mô và sự hiện đại hóa quân đội có thể sẽ là một chính sách gắn liền với những căng thẳng trên Biển Đông. Nhưng Việt Nam chưa có một hợp đồng lớn với vũ khí của Mỹ dù đã có vận động của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11.2017 cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào tháng 1.2018.
Tờ báo cho rằng, sự quen thuộc của Việt Nam với vũ khí Nga khiến việc mua vũ khí của Mỹ sẽ có cái giá cao hơn và một tiến trình phức tạp để tích hợp vũ khí Mỹ vào trong kho vũ khí của Việt Nam. Quan trọng hơn, Việt Nam gắn kết với Nga mà không có những xung đột về tư tưởng. Trong khi, Mỹ thường có những ý muốn thúc đẩy những thay đổi trong nội địa của nước khác, Nga không bao giờ thúc ép nước đối tác có thay đổi về dân chủ hay về các vấn đề khác.
Những thúc đẩy của Mỹ đôi khi gây e ngại cho vấn đề hoạch định chính sách nhưng mối quan hệ chiến lược ấm dần lên do những căng thẳng đang tăng lên trong khu vực của những quyền lực khác. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga là một yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam cân bằng mối quan hệ với các nước.
Ông Sergei Shoigu duyệt đội danh dự cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Vào tháng 1.2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến viếng thăm Hà Nội và tiếp kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như trao đổi với người đồng cấp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Cuộc gặp đã cho thấy vị thế dẫn đầu của Nga trong việc hiện đại hóa quốc phòng và những chính sách an ninh của Việt Nam.
Trong chuyến thăm của ông Shoigu, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nhấn mạnh lại tầm quan trọng của đối tác chiến lược toàn diện với Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu về chính sách và Việt Nam coi Nga là một trong những đối tác quan trọng nhất. Điều này thể hiện mối liên kết và tác động qua lại về mặt quốc phòng đã có từ lâu giữa hai nước. Về lâu dài, ông Shoigu cũng đã có những thỏa thuận về khả năng hợp tác tập trận chung giữa 2 nước vào năm 2020 cũng như huấn luyện gìn giữa hòa bình và thi hành luật pháp.
AsiaTimes ghi nhận năm 2009, trong chuyến thăm Nga của lãnh đạo cấp cao, Việt Nam đã ký một hợp đồng trị giá 2 tỷ USD với Nga để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo và tên lửa Klub đất đối đất tấn công chính xác ở khoảng cách 300km. Cả 6 chiếc tàu ngầm đã được chuyển giao cho Việt Nam cùng với trung tâm huấn luyện của Hải quân Nga phục vụ cho việc đào tạo thủy thủ đoàn Việt Nam. Năm ngoái, Nga cũng đã chuyển hệ thống giám sát thử nghiệm tên lửa tới Việt Nam cùng thiết kế của những tên lửa đối đất và tàu chiến hiện đại cho Việt Nam. Hiện tại, cả 2 thiết kế này đều được sản xuất trong nội địa.
Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam.
Vào tháng 6.2015, Việt Nam đã cho ra mắt nhiều tàu hộ vệ lớp Tarantul (tên tiếng Nga là Molniya) được trang bị tên lửa có tầm bắn 130km. Cựu Thứ trưởng Bộ quốc phòng Trương Quang Khánh đã tuyên bố Hải quân Việt Nam đã có thể "hoàn toàn làm chủ công nghệ và kỹ thuật chế tạo tàu chiến hiện đại", một bước tiến quan trọng trong khả năng chiến đấu trên biển.
Kể từ 2011, Việt Nam đã nhận từ Nga 129 hệ thống tên lửa, 36 máy bay và 8 tàu hải quân. Trong khi, Moscow vẫn có một vị trí đặc biệt là đối tác quân sự hàng đầu của Việt Nam, chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam vẫn giữa nguyên tắc Ba không: Không tham gia các liên minh quân sự; Không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; Không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Cùng với chính sách đa phương, Việt Nam đã mở cửa cảng quốc tế Cam Ranh, một cảng nước sâu mang tính chiến lược. Mỹ cũng rất muốn có thể đi vào vùng cảng chiến lược này.
Do mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xấu dần đi, Nga cần phải cân bằng lại các mối quan hệ trong khu vực và điều này có thể làm thu hẹp những hỗ trợ về quân sự cho Việt Nam. Trong khi căng thẳng trong khu vực khiến Mỹ có mối liên kết với Việt Nam thì Nga cũng sẽ không làm tình thế bất ổn bằng bất cứ động thái nào như việc cung cấp vũ khí để thay đổi cán cân lực lượng trong vùng, làm mếch lòng các siêu cường khác.
AsiaTimes kết luận, dù Mỹ đang muốn Việt Nam giảm phụ thuộc vào những vũ khí của Nga và Moscow cũng đang cung cấp cho các nước vũ khí tương tự như cung cấp cho Việt Nam, quan hệ gần gũi chiến lược giữa Nga và Việt Nam sẽ không bị Mỹ thay thế trong thời gian ngắn.