Một báo cáo nghiên cứu chuyên biệt về ngành bất động sản Việt Nam của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) tiết lộ, dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ có tới 1.000 đô thị.
Quyết định 445/2009/QĐ-TTg và 1659/2012/QĐ-TTg được ban hành đã xác định chương trình phát triển đô thị quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến 2025.
Trong đó, các đô thị trung tâm được phân bố hợp lý trên cơ sở 6 vùng kinh tế – xã hội quốc gia là: Vùng trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Vùng đồng bằng Sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh), Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và Vùng đồng bằng sông Cửu Long (12 tỉnh, thành phố).
Do đô thị hóa là quá trình quan trọng và tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội nên trong hơn 30 năm phát triển, số lượng đô thị tăng lên nhanh chóng.
Quyết định 445 & 1659 cũng chỉ rõ các đô thị trung tâm lớn và cực lớn sẽ là thủ đô Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ phải được tổ chức thành các chùm đô thị, có vành đai bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế dẫn đến sự phá vỡ cân bằng sinh thái, và sự hình thành các siêu đô thị.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất hiện "Siêu đô thị - Megacity" đầu tiên, đó là TP. HCM.
Dưới tác động của đô thị hóa, sự dịch chuyển của người lao động từ nông thôn ra thành thị để kiếm việc làm là điều tất yếu, kéo theo đó là nhu cầu bức thiết về nhà ở.
Từ năm 2000, dân số đô thị bùng nổ mạnh mẽ và tốc độ tăng này được dự báo kéo dài hơn 50 năm.
Năm 2025, tổng dân số Việt Nam dự báo đạt 99,33 triệu người, tương ứng mức tăng CAGR 2000 – 2025 là 1% nhưng thấp hơn so với mức tăng CAGR của dân số đô thị là 3%.
Theo Bizlive