Mạng cảm biến (cây nhiệt đới)
Các cảm biến (cây nhiệt đới) đầu tiên có giá vô cùng đắt, khoảng 2.000 USD một chiếc (khoảng 14,000 USD ngày nay) và hoạt động rất tệ. Pin chỉ kéo dài được hai tuần. Các kỹ sư nhanh chóng phát hiện ra rằng các cảm biến đa năng không đủ độ bền để khi ném ra khỏi máy bay, phương pháp duy nhất để thả các cảm biến xuống các vị trí dự kiến trên mặt đất. Một số lượng lớn các cảm biến bị hỏng do va chạm với địa hình.
Từ trên không, một binh sĩ ném một cây nhiệt đới ra khỏi máy bay trong chương trình Igloo White. Cây nhiệt đới có một mũi nhọn đâm xuyên sâu xuống đất, chỉ có những tán lá giả đầu bên kia xòe ra.
Từ những cảm biến ban đầu, hàng chục loại cây nhiệt đới khác nhau được phát triển và triển khai tại Việt Nam. Hầu hết được ngụy trang thành cây giả và trông giống như thực vật trên đỉnh, trong khi phía dưới của bộ cảm biến được cắm sâu trong đất.
Trong một cây nhiệt đới có cảm biến âm thanh, thu thập các âm thanh khác nhau ở trên chiến trường, cảm biến địa chấn được sử dụng để phát hiện độ rung mặt đất khi xe vận tải di chuyển, ngoài ra một số thiết bị khác có cảm biến từ trường nhằm phát hiện vũ khí trang bị của đối phương trong khu vực, cảm biến RF để thu thập các tín hiệu radio. Thậm chí còn có cảm biến hóa học, đặc biệt là khí tài "săn người" được thiết kế để phát hiện mồ hôi con người và nước tiểu.
Những phức tạp lập tức phát sinh, mỗi bộ cảm biến có những những vấn đề riêng. Khi cảm biến từ trường phát hiện sự hiện diện của kim loại có nghĩa là thu thập dữ liệu về các đơn vị vũ trang hành quân với súng và trang, nhưng cảm biến sẽ không phân biệt được vũ khí trang bị quân sự với thiết bị dân sự (cuốc xẻng chẳng hạn). Rồi những vấn đề liên quan đến âm thanh của xe vận tải. Tất cả các phương tiện cơ động trên các tuyến đường rừng đều bị quy thành xe đối phương. Nhưng không quân Mỹ vẫn vung vãi bừa bãi đạn bom một cách vô ích vào những cánh rừng.
Khởi điểm ban đầu, chừng một vài tháng gì đó, các cảm biến có vẻ có hiệu quả tốt, không quân chụp được nhiều xe vận tải bị phá hủy dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và các tuyến đường bí mật khác ở miền Nam, lực lượng tình báo quân sự thông báo về các cuộc hành quân bị đánh, số vũ khí bị phá hủy….Nhưng chỉ một thời gian sau đó, những báo cáo và những bức không ảnh chỉ còn là những khu vực như địa hình mặt trăng sau cuộc đánh phá của B-52 và những khu rừng cháy đen bởi bom napalm.
Lực lượng quân đội Miền Bắc Việt Nam đã nhanh chóng học được cách đánh lừa những cảm biến đắt giá của quân đội Mỹ. Ví dụ như họ đã giả tạo tiếng xe chạy, hoặc kéo theo một số lượng lớn sắt thép ở nhưng khu vực có cây nhiệt đới mà họ muốn không quân Mỹ dội bom đạn vào đó. Thậm chí trên chiến trường Miền Nam Việt Nam, những cảm biến “săn người” cũng bị đánh lừa, Quân Giải phóng đặt một xô nước tiểu lớn gần cảm biến nhận biết người, khi cảm biến truyền tín hiệu về một lực lượng lớn người đang có mặt trong một khu vực, các cuộc không kích sẽ diễn ra ác liệt vào chỗ không người.
Những cảm biến của chương trình Igloo White được phát triển bởi những công ty điện tử nổi tiếng nhất nước Mỹ, bao gồm Texas Instruments, Magnavox, General Electric, Western Electric (thuộc bộ phận nghiên cứu Công ty Cổ phần Sandia) và Tổng công ty Hazeltine của Little Neck, New York. Đây là những thiết bị điện tử tiên tiến nhất được chế tạo trong những năm 1960, một vùng đất màu mỡ giàu có hoàn toàn chưa được các ông trùm điện tử khám phá.
Tất cả những công ty này đều phải vật vã chống lại một rào cản kỹ thuật chính quen thuộc: tuổi thọ pin. Pin Nickel Cadmium được sử dụng đầu tiên (loại như ở chuột không dây của bạn hoặc điều khiển TV từ xa), nhưng loại pin này chỉ kéo dài trong khoảng hai tuần. Các công ty đã thiết kế để cảm biến để có thể bật và tắt từ xa khi cần thiết nhằm bảo tồn năng lượng. Nhưng giải pháp thực tế chỉ đến khi công ty bắt đầu sử dụng pin lithium, kéo dài tuổi thọ của các cảm biến đến hai tháng. Nhưng vẫn có những vấn đề không thể giải quyết được, rất nhiều các cảm biến hoạt động không đáng tin cậy ngay cả khi đã "làm việc". Những thông tin giả thường xuyên khiến các chỉ huy lực lượng không quân có khái niệm sai lầm hoàn toàn về những gì đã xảy ra trên mặt đất.
Ví dụ như có trường hợp, cây nhiệt đới thông báo về một đoàn xe đang chạy trên một tuyến đường, số lượng dự báo đến hàng chục xe. Không quân đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 tàn phá khu vực đó, nhưng chỉ sau một vài giờ, lại có thông tin về một đoàn xe tương tự như vậy. Rõ ràng là quân đội Miền Bắc Việt Nam đã đánh lừa các cảm biến để không quân Mỹ tiêu hao bom đạn. Điều đó đã khiến các tư lệnh không quân chiến trường cảm thấy nghi ngờ tính xác thực của thông tin từ các cảm biến, nhưng họ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ trong nghi vấn.
Để giải quyết những trường hợp này, đồng thời hướng tới việc ngăn chặn các tuyến đường vận tải, ngoài các cảm biến cây nhiệt đới được thả xuống, quân đội Mỹ bắt đầu chế tạo các loại mìn thả từ trên không, còn gọi là mìn bươm bướm. Những cánh bướm sát thương này được thả cùng với các cảm biến cây nhiệt đới. Mục đích là khi ai đó hoặc vật gì đó đè lên, quả mìn nhỏ này sẽ phát nổ. Âm thanh tiếng nổ được thu lại bởi các cảm biến cây nhiệt đới và không quân Mỹ dựa trên số lượng tiếng nổ để quyết định sẽ không kích ở cấp độ nào.
Ngoài ra, không quân Mỹ còn rải theo tín hiệu của cây nhiệt đới đủ các loại bom mìn như từ trường, âm thanh, địa chấn với số lượng rất lớn.
"Đây là những quả mìn nhỏ quỷ quái", phó giám đốc APRA Lukasik nói, "Đó là những quả mìn nhỏ, sẽ phát nổ khi đối phương dẫm vào, diện tích thả loại mìn này bao trùm toàn bộ phạm vi những gì chúng ta gọi đó bom chùm. Nhưng cũng không thể gọi là bom chùm, mà phải gọi là mìn chùm (mines cluster)".
Lukasik nói: Những quả mìn chùm thực sự là một sản phẩm bẩn thỉu. Những hiểm họa từ các loại mìn này vẫn còn đang hiện diện đến ngày nay tại Việt Nam, nơi có đến hàng ngàn quả mìn chưa nổ nằm rải rác đâu đó. Ước tính có hơn 42.000 người Việt Nam đã bị sát hại bởi mìn còn sót lại từ quân đội Mỹ sau năm 1975. Khoảng hơn 62.000 người đã bị thương nặng hoặc tàn phế.
Hệ thống Igloo White "làm việc" có hiệu quả?
Nếu Igloo White chứng minh được bất cứ điều gì thực tế, đó là khả năng và giới hạn của cuộc chiến tranh phi tiếp xúc. Mặc dù hệ thống hoàn toàn "tự động", có rất nhiều vấn đề không đáng tin cậy liên quan đến hệ thống. Một trong những báo cáo của không quân trong năm 1968 giải thích:
Theo dõi thời gian cảm biến được kích hoạt, trắc thủ hệ thống có thể ước tính số lượng xe trong nhóm di chuyển qua một cảm biến. Khoảng thời gian là yếu tố giúp nhân viên có đủ tự tin để xác định kiểu kích hoạt này là một mục tiêu tiềm năng, theo thời gian có thể ước tính mục tiêu có khoảng năm xe tải di chuyển về phía bắc với tốc độ khoảng 17 km/h.
Trắc thủ sẽ truyền thông tin mục tiêu này cho Phòng giám sát xâm nhập ISC (Infiltration Surveillance Center) ghi âm và chuyển tiếp thông tin cho Trung tâm chỉ huy và kiểm soát tác chiến đường không – ABCCC (Airborne Battlefield Command and Control Center) điều tra thực tế bằng quan sát mắt thường từ trên không, đồng thời có thể giám sát bằng lực lượng theo dõi kiểm soát tác chiến đường không FAC (Forward air control). Nếu được xác nhận là đúng mục tiêu, không quân sẽ tiến hành không kích.
Nhưng trên thực tế, một hệ thống những hoạt động tương tự sẽ khiến không quân Mỹ không thể tiến hành bất cứ cuộc không kích nào. Thông thường thông tin được xác nhận ở ISC, sau đó chuyển tải sang cho ABCCC. Thông tin sẽ được xác nhận dựa trên những quy ước chuẩn mực định trước (kiểu âm thanh, độ dài, cấp độ rung chấn địa chất….) và không quân tiến hành cuộc không kích. Các máy bay ABCCC như EC-130E sẽ xác nhận thông tin dựa theo những dấu hiệu đặc trưng như khói bụi, vệt hằn bánh xe trên đường…hoặc chỉ là ước đoán. Nhưng điều đó cũng có thể đủ để tiến hành cuộc không kích.
Không ai trong quân đội Mỹ muốn thừa nhận: Hệ thống điện tử siêu hiện đại, mỗi năm tiêu hao đến 1 tỷ USD không mang lại kết quả. Không quân tuyên bố rằng 75.000 xe tải của quân đội Miền Bắc Việt Nam đã bị phá hủy dựa trên thông tin thu được từ mạng cảm biến (sensors network ). Điều tệ hại là theo ước tính của CIA chỉ có khoảng 6.000 xe vận tải trên toàn bộ miền Bắc Việt Nam.
Chậm trễ về thời gian và độ tin cây không cao của hệ thống Igloo White trong những năm đầu thập kỷ 1970x đã khiến hệ thống không bền vững và đi đến phá sản. Phó giám đốc ARPA Lukasik kết luận: "không bao giờ nên cài đặt những cảm biến giá rẻ trên chiến trường tầm xa và sau đó duy trì hoạt động của những cảm biến này." Đây là một công việc mất rất nhiều công sức và hiệu quả rất thấp. Thay vào đó, cần phát triển hạ tầng công nghệ nhỏ hơn và không dựa trên quá nhiều điểm chuyển tiếp.
Máy bay Lockheed Batcat EC-121R, hoạt động như một trạm chuyển tiếp dữ liệu từ cảm biến về trung tâm giám sát xâm nhập ISC.
Lukasik cho rằng nhược điểm chính của hệ thống Igloo White là các cảm biến được cài đặt trên mặt đất, máy bay đơn thuần chỉ được lắp đặt các thiết bị chuyển tiếp thông tin giữa các cảm biến và máy tính ở Thái Lan.
Từ suy luận trên, ông khẳng định cần phải có sự kết hợp giữa các cảm biến (cây nhiệt đới) trên mặt đất với các phương tiện bay đa năng hơn, ví dụ như các máy bay không người lái, bay tuần tiễu liên tục trên bầu trời với các cảm biến để có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát mục tiêu và kiểm soát tác chiến đường không.
"Thực tế cần có một phương tiện bay được trang bị những cảm biến thực sự tốt và bay tuần tiễu xung quanh địa hình cần giám sát," Lukasik nói, "Không có gì dễ dàng hơn việc đặt hàng giữa 50 và 500 phương tiện bay không người lái điều khiển từ xa và các máy bay này sẽ liên tục có mặt trên bầu trời 24/7 tuần tiễu khu vực cần giám sát."
Những chiếc máy bay này phải được trang cảm biến quang học, cảm biến radar, cảm biến hồng ngoại và rất nhiều các cảm biến khác . Máy bay sẽ không chỉ tiếp nhận thông tin từ một bộ cảm biến không đáng tin cậy được triển khai ngẫu nhiên trên mặt đất và chuyển tiếp thông tin vào IRC mà còn có thể giám sát thực tế thông tin thu thập bằng các cảm biến được lắp đặt.
Phó giám đốc ARPA nhớ lại: "Chúng tôi gọi các máy bay này là những chiếc RPV, hiện nay được gọi là phương tiện bay không người. Nhưng các UAV này không phải là không có người lái. Mỗi chiếc UAV đều có một người đang ngồi ở Nevada hoặc một số nơi khác điều khiển bay thông qua các màn hình máy tính".
Nhưng đề xuất của ARPA không được tiếp nhận, không quân vẫn khẳng định hiệu quả tác chiến của Igloo White và chương trình tiếp tục được thực hiện cho đến khi kết thúc.
Cho đến ngày nay, trong thế kỷ 21, Mỹ vẫn chưa có được một hệ thống tình báo, thông tin và giám sát đường không Skynet có hiệu quả. Không có cách nào để biết rằng, một cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái vào các mục tiêu quân sự có thể hiệu quả hơn. Những gì được cho là kết quả cuộc chiến tranh ở Việt Nam chỉ là sự kinh hoàng và bẩn thỉu.
Xem lại:Việt Nam đánh bại “cuộc chiến sạch sẽ” của Mỹ ra sao
TTB