Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.
Được biết, tháng 3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã có văn bản số 1297/BKHĐT-GSTĐĐT báo cáo việc rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của CTCP Hàng không Thiên Minh (Thiên Minh).
Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.
Theo báo cáo thẩm định của Bộ KH&ĐT, dự án có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm, đến năm thứ 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus320/321 hoặc tương đương.
Trước đó, Tại cuộc họp bàn chủ trương lập Hãng hàng không Cánh Diều do Bộ GTVT tổ chức vào hôm 22/10/2019 , ông Nguyễn Mạnh Quân (Giám đốc điều hành Thiên Minh) cho biết tổng vốn đầu tư dự án là 5.500 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn vốn cố định là 4.500 tỷ đồng, bao gồm 2.300 tỷ đồng đầu tư tàu bay ATR và 1.700 tỷ đồng thuê khô tàu thân hẹp, 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị, văn phòng.
Nguồn vốn cố định dự kiến bao gồm 28% từ vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng), 72% còn lại từ đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài (2.970 tỷ đồng).
Lý giải thêm về việc lựa chọn ATR72-600 làm phương tiện khai thác chủ lực, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết máy bay này có tổng số ghế 78, tăng 14% so với loại ATR đang khai thác hiện nay tại Việt Nam.
Tiêu hao nhiên liệu của ATR72-600 hiện bằng 1/3 tàu phản lực thân hẹp. Thời gian quay đầu chỉ 20 phút. Một máy bay khai thác chỉ cần 4 người trong phi hành đoàn, 2 phi công và 2 tiếp viên./.