Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế - về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua, bàn các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả thời gian tới diễn ra vào sáng nay, ngày 17/3.
Tiếp tục tiêm vaccine theo đúng kế hoạch
Trước thông tin nhiều quốc gia tạm dừng tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca vì ghi nhận trường hợp bị đông máu sau tiêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã theo dõi, đánh giá suốt quá trình triển khai tiêm vaccine tại Việt Nam.
Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Tuy nhiên, Bộ vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời, tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế vẫn sẽ tiếp tục tổ chức tiêm vaccine COVID-19 theo đúng kế hoạch.
Theo ông Long, từ ngày 8/3 đến nay, cả nước đã tiến hành tiêm chủng cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 và các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Những trường hợp này đã được điều trị, sức khoẻ đã ổn định.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Tuấn Dũng) |
Về tiến độ mua và tiêm vaccine COVID-19, ông Long cho hay: Thực hiện Nghị quyết 21 của Chính phủ, Bộ Y tế đã nộp hồ sơ thành công tới Chương trình COVAX Faclility. Chương trình đã cam kết sẽ cung cấp vaccine và vật tư tiêm chủng miễn phí, khoảng 30 triệu liều cho Việt Nam. Từ nay đến tháng 5, COVAX sẽ cấp khoảng 4,1 triệu liều vaccine đợt đầu tiên do AstraZenecca sản xuất cho Việt Nam. Hiện, Bộ Y tế đang tích cực, khẩn trương làm việc với COVAX để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam.
Nguồn vaccine của AstraZeneca được mua qua Công ty VNVC (khoảng 30 triệu liều), với lô đầu tiên 117.600 liều được sản xuất bởi SK Bioscience (Hàn Quốc) đã về ngày 24/2.
Tìm kiếm thêm nguồn vaccine
Về các nguồn vaccine khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán với các công ty để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Trong hôm nay, ngày 17/3, Bộ Y tế và Tổ công tác sẽ đàm phán phương án cụ thể. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vaccine phòng COVID-19 của Johnson &Johnson, Moderna, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V),…
Ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, vaccine do Việt Nam sản xuất gồm: Nanocovax của Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2. Còn Vaccine COVIVAC do IVAC đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3.
Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Hoàng Anh) |
Trong báo cáo gửi Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 hơn 1 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài từ 1 đến 2 năm tiếp theo. Tại khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mặc dù nhiều nước đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
“Thời gian tới, việc kiểm soát dịch COVID-19 phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và dự kiến đến năm 2022, vaccine do Việt Nam sản xuất mới được đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay theo chiến dịch 5K” - ông Long nhấn mạnh.
Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc
Trước tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, ông Long khẳng định: Cuộc chiến chống COVID-19 là "cuộc chiến chưa từng có trong tiền lệ, tất cả lực lượng y tế đều sẵn sàng tham gia, thậm chí có những người cả tháng không về nhà. Do đặc thù chống dịch nên nhiều nhân viên y tế chịu vất vả, thậm chí có người phải cạo trọc đầu để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đã gửi tới người dân khoảng 20 tỉ tin nhắn để khuyến cáo, phòng dịch, có lẽ chưa nơi nào giống như Việt Nam”.
Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, mỗi người dân cần tiếp tục chung sống, các đơn vị phải có giải pháp phù hợp chiến đấu trường kỳ để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra.
Khu vực cách ly phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Nhằm tiếp tục phòng, chống dịch có hiệu quả, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở y tế và phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là thực hiện các biện pháp quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam khi nới lỏng các hạn chế trong đi lại quốc tế.
Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành và các địa phương để hướng dẫn thực hiện các biện pháp giám sát phòng chống dịch với người nhập cảnh đảm bảo không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.