|
Việt Nam cần sớm ban hành thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Đầu tư) |
Nhiều quốc gia được cho là sẽ tiến hành thực thi chương trình Chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS) 2.0, với trọng tâm là Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, từ đầu năm 2024.
BEPS 2.0 là một thỏa thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia (trong đó có Việt Nam), nhằm đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia sẽ trả thuế một cách công bằng ở các thị trường mà họ kinh doanh.
Bản chất của quy tắc này nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế. Mức thuế tối thiểu thống nhất là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro (870 triệu USD) trở lên.
Quy tắc này được dự báo tác động tới hầu hết tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn đang đầu tư tại Việt Nam.
Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Khối này thu hút khoảng 5,1 triệu lao động, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa với khoảng 73-74% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp khoảng 28% ngân sách và chiếm 23,4% vốn đầu tư vào nền kinh tế giai đoạn 2016–2019.
Dòng vốn FDI không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong quá khứ, các ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất, đã góp phần tạo ra sức hút mạnh mẽ của Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, như bà Annett Perschmann-Taubert, chuyên gia về thuế của PWC, đã chỉ ra, khi áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, những ưu đãi thuế có thể không còn mang nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh, qua đó dẫn đến một số thách thức cho Việt Nam.
Cụ thể, nếu Chính phủ không thay đổi quy định trong nước thì có thể sẽ dẫn đến thất thu thuế bởi lợi ích thuế dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cuối cùng có thể sẽ quay trở về đất nước của họ. Trong khi đó, Việt Nam có thể để thua trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư bởi các ưu đãi thuế đã không còn hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể quay sang lựa chọn các quốc gia khác.
Các nội dung thảo luận liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng của các diễn đàn kinh doanh tại Việt Nam ngay từ đầu năm 2022.
Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã nhiều lần đề xuất Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến quyền lợi của các doanh nghiệp nằm trong diện cải cách thuế này.
Ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Trong buổi tiếp ông Park Hark Kyu - Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung Electronics – mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong khi thời điểm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã cận kề, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc rà soát chính sách hiện hành cách toàn diện để tìm hướng đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo vị thế cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Đặc biệt, trong bối cảnh giới đầu tư quốc tế đang xúc tiến dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc, các hãng sản xuất Mỹ muốn tăng cường sử dụng chip sản xuất Việt Nam, cần kịp thời có giải pháp giữ chân và quan trọng hơn là thu hút thêm nhà đầu tư lớn, để tận dụng cơ hội từ sự chuyển dịch này./.