Viện Pasteur chưa khẳng định về độc tính của chủng mới virus Corona

VietTimes – Xác định chủng virus Corona thứ 6 lây lan nhanh hơn trước, tuy nhiên, BS. Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM - cho biết chưa khẳng định về độc tính của chủng này.
BS Tăng Chí Thượng - Phó GĐ Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở đã tiến hành điều tra khẩn cấp hơn 100 trường hợp tiếp xúc gần với BN449 và BN450 (Ảnh: Đình Nguyên)
BS Tăng Chí Thượng - Phó GĐ Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở đã tiến hành điều tra khẩn cấp hơn 100 trường hợp tiếp xúc gần với BN449 và BN450 (Ảnh: Đình Nguyên)

Chưa khẳng định về độc tính

Theo Tiểu Ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, kết quả phân tích nguồn gene từ các bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng cho thấy Việt Nam ghi nhận thêm chủng virus mới, có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. 

Sau khi phát hiện 5 chủng COVID-19 khác nhau ở những bệnh nhân trong nước, với những ca bệnh vừa được xác nhận tại Đà Nẵng, Việt Nam xác định thêm chủng COVID-19 thứ 6. Hiện, Bộ Y tế đã đưa lên ngân hàng gene thế giới để so sánh.

GS. TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - trả lời báo chí cho biết, bản chất virus Corona luôn có đột biến và hiện nay trên thế giới đã xác định được gần 99 chủng virus Corona.

“Khi xác định được độ lây lan của virus chủng mới, Việt Nam sẽ cố gắng truy vết, cách ly từ F0 đến F3, cắt đứt đường lây truyền để nó không lây lan nhanh. Những vùng có nhiều bệnh nhân thực hiện phong tỏa tạm thời quy mô nhỏ. Trong địa bàn có dịch phải giãn cách xã hội, tăng cường hoạt động dự phòng như đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người” - GS. Kính khẳng định.

Về độc lực và tốc độ lây lan của chủng virus Corona biến thể mới, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM - khẳng định: “Hiện có dư luận chủng mới này độc lực đến mức thay đổi vắc xin và có tốc độ lan nhanh hơn, tuy nhiên ngành y tế mới chứng minh về sự lây lan nhanh hơn, còn độc tính của chủng mới hiện chưa có sự khẳng định”.

Truy vết 80.000 người đến Đà Nẵng

Chỉ trong tháng 7/2020, Đà Nẵng đón 80.000 lượt khách và hiện nay chúng ta phải truy vết 80 nghìn người này; trong số đó có hơn 20.000 người về Hà Nội, hơn 18.000 người về TP. HCM.

Không chỉ ngành du lịch, giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được khuyến khích tự động hóa để phòng tránh COVID-19 lây lan (Ảnh: Hòa Bình)
Không chỉ ngành du lịch, giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được khuyến khích tự động hóa để phòng tránh COVID-19 lây lan (Ảnh: Hòa Bình)


Sau khi Đà Nẵng trở thành “ổ dịch” mới với số ca nhiễm đang tăng lên chóng mặt chỉ trong 6 ngày, nhiều tỉnh, thành phố đã tuyên bố hủy kích cầu du lịch vì lo ngại dịch bệnh bùng phát. Trong một diễn biến mới, sáng nay ngày 30/8, BN418 đã được chuyển tới BV Huế để điều trị do diễn biến nặng.

Trước đó, tham gia cuộc họp báo chiều 29/7 tại TP. HCM có PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM, BS. Nguyễn Chí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), cùng trả lời về diễn biến mới dịch COVID-19 tại địa bàn TP.HCM.

BS Nguyễn Chí Dũng khẳng định đến nay TP.HCM đã ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19 mới, là BN449 và BN450. Cả 2 ca bệnh đều có lịch sử đi từ Đà Nẵng vào TP. HCM.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết, hiện hai BN trên đang được cách ly để điều trị ở BV Bệnh Nhiệt đới, với tình trạng sức khỏe tốt. Riêng người chồng (BN 449), có nhiều bệnh lý nền, quá trình chữa trị có xuất hiện tổn thương phổi buộc thở oxy và có tình trạng nhiễm trùng.

Sau khi phát hiện 2 ca dương tính nêu trên, từ 14h00 ngày 28/7, lực lượng y tế của TP. HCM đã tiến hành điều tra khẩn cấp hơn 100 trường hợp tiếp xúc gần với hai BN để khoanh vùng và xử lý bằng các biện pháp y tế cần thiết.

Rất may là trong số hơn 100 người tiếp xúc gần, nhiều mẫu xét nghiệm âm tính. Đặc biệt là 81 mẫu tiếp xúc (cả gần và xa) tại BV Quốc tế City và 27 trường hợp tiếp xúc khác tại BV Chợ Rẫy đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Chí Dũng vẫn khẳng định TP. HCM bắt đầu phải đối phó với tình huống mới.

BS Tăng Chí Thượng cho biết thêm, hiện TP. HCM có 13 đơn vị có đủ chức năng để xét nghiệm COVID-19, vào cao điểm các đơn vị này có thể xét nghiệm 3.000 mẫu/ngày.

Ngoài ra, từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, TP. HCM vẫn duy trì 47 BV có khu cách ly điều trị và hệ thống bệnh viện chuyên chữa COVID-19. Hiện nay, BV Dã chiến ở Cần Giờ đã hoạt động trở lại, BV Dã chiến Củ Chi cũng sẵn sàng đón bệnh nhân nhiễm COVID-19.