Việc đổi tên liệu có giúp Facebook "đại tu" danh tiếng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Việc đổi tên có thể là một phần trong nỗ lực "đại tu" danh tiếng của Facebook sau cơn khủng hoảng, khi liên tục nhận về chỉ trích từ cả người dùng và chính quyền các nước.
Ảnh: Wired
Ảnh: Wired

Khi Mark Zuckerberg thành lập Facebook vào năm 2004, đây chỉ là một ứng dụng nhắn tin của các sinh viên tại Harvard với tên gọi The Face Book. Trải qua 2 thập kỷ với gần 90 thương vụ mua đi, bán lại và hàng tỉ USD được đầu tư vào ứng dụng này, Facebook hiện nay đã trở thành một cái tên quen thuộc. Tuy nhiên, Facebook hiện đang muốn thay đổi tên doanh nghiệp của mình.

CEO của Facebook, ông Zuckerberg, dự kiến ​​sẽ công bố tên mới cho công ty vào tuần tới tại Facebook Connect, hội nghị thường niên của công ty. Nhiều khả năng cái tên mới này sẽ tập hợp cả Facebook, Instagram, WhatsApp, Oculus thành một tập đoàn lớn với tham vọng phát triển hơn nữa ở lĩnh vực mạng xã hội. Mark Zuckerberg cho rằng tương lai của Facebook và cả thế giới sẽ là "vũ trụ số" Metaverse.

Có thể nói, Facebook hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng khi liên tục nhận về chỉ trích từ cả người dùng và chính quyền các nước. Việc thay đổi thương hiệu có thể là một phần trong nỗ lực "đại tu" danh tiếng của Facebook.

Reuter dẫn lời James Cordwell - một nhà phân tích tại Atlantic Equities nhận định: "Các nhà lập pháp và chính trị gia đủ thông minh để không bị lừa bởi chiêu đổi thương hiệu".

"Đổi tên công ty có thể là chiến lược hiệu quả, cho phép các thương hiệu con duy trì danh tiếng", Marisa Mulvihill - trưởng bộ phận thương hiệu tại công ty tư vấn tiếp thị Prophet cho biết. Dù vậy, các cơ quan quản lý sẽ không vì thế mà ngừng điều tra và yêu cầu Facebook cải cách.

Cụ thể, việc đổi tên sẽ giúp tiếng xấu của Facebook không ảnh hưởng đến các sản phẩm khác như WhatsApp - hiện có gần 2 tỉ người dùng trên toàn cầu và kính thực tế ảo Oculus được xem như tương lai của Metaverse. Các chuyên gia xây dựng thương hiệu trên Twitter đều không tin rằng việc đổi tên công ty sẽ có tác dụng "tẩy trắng" những bê bối gần đây của Facebook.

Jim Heininger - người sáng lập của Rebranding Experts, một công ty tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cho các tổ chức, cho biết: Cách hiệu quả nhất để Facebook giải quyết những thách thức khi dính phải hàng loạt bê bối liên quan đến thương hiệu của mình gần đây là thông qua các hành động nhận lỗi, sửa sai thay vì cố gắng thay đổi tên thương hiệu”.

Quyết định đổi tên của Facebook được đưa ra ngay sau khi Frances Haugen làm rò rỉ hàng nghìn trang tài liệu nội bộ cho The Wall Street Journal, tiết lộ rằng Facebook quan tâm tới lợi nhuận nhiều hơn lợi ích cộng đồng, sức khỏe tâm lý người dùng.

Ông Anaezi Modu, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Rebrand, chuyên tư vấn cho các công ty về việc chuyển đổi thương hiệu, cho biết: "Việc thay đổi tên không chỉ là đổi mới thương hiệu. Thương hiệu xuất phát từ sứ mệnh, văn hóa và khả năng của một công ty chứ không chỉ là cái tên, biểu tượng hay hoạt động tiếp thị. Trừ khi Facebook có kế hoạch nghiêm túc để giải quyết một số vấn đề của mình, nếu không kế hoạch thay đổi tên là hoàn toàn vô nghĩa. Trên thực tế, điều này còn có thể làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn”. Việc đổi tên một công ty có thể tạo ra nhiều sự ngờ vực hơn khi người dùng phải làm quen lại với một cái tên mới.

Modu nói rằng việc đổi tên có ý nghĩa để làm rõ tổ chức của một công ty, theo cách mà các tập đoàn khác làm. Khi Google tái cấu trúc vào năm 2015, nó đã đặt tên cho công ty mẹ là Alphabet để phản ánh sự phát triển không chỉ là một công cụ tìm kiếm Google mà còn là DeepMind, Waymo, Fitbit và Google X...

Trong số những cái tên được đồn đại sẽ thay thế Facebook là “Meta” - tập trung vào "vũ trụ số" Metaverse hoặc “Horizon” - một tương lai vô hạn.

Ông Heininger, chuyên gia xây dựng thương hiệu cho rằng “Facebook cần theo đuổi chính sách xây dựng lòng tin trước khi người dùng và công chúng có thể sẵn sàng ủng hộ việc đổi thương hiệu”.

Theo Wired