Chiến dịch giải phóng thành phố chiến lược Mosul từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) được mong đợi từ lâu của quân đội Iraq đã bắt đầu từ tháng trước, thế nhưng ngay khi súng vừa nổ, lực lượng được coi là chủ lực chống IS này lại nhanh chóng bỏ chạy trước những kẻ khủng bố, theo FoxNews.
Đây chính là đội quân đã bị các tướng lĩnh Mỹ chỉ trích là yếu kém, "không có ý chí chiến đấu" khi họ từ bỏ vị trí, vứt lại cả vũ khí và hoảng hốt tháo chạy khỏi thành phố Mosul bị IS tấn công hồi tháng 6/2014, dù quân số của họ đông hơn phiến quân nhiều lần.
Sau thất bại đầy nhục nhã đó của quân đội Iraq, Mỹ đã chi nhiều tiền của, huy động hàng nghìn cố vấn quân sự tới nước này để xây dựng một đội quân tinh nhuệ, được kỳ vọng là có đủ khả năng và ý chí chống lại IS. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng đội quân này cũng được tung ra trận, phối hợp với dân quân người Sunni, người Kurd và người Yazidi tấn công Mosul, sào huyệt của IS ở Iraq.
Tuy nhiên chiến dịch giải phóng rất được kỳ vọng này đã chấm dứt ngay khi nó vừa bắt đầu vào hôm 24/3, khi quân đội Iraq vừa chiếm được vài ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Mosul, và chỉ hai tuần sau đó, họ hối hả tháo chạy khi IS vừa nổ súng phản công.
"Quân đội Iraq phát động một đợt tấn công vào các vị trí của IS xung quanh Mosul, nhưng khi phiến quân nổ súng chống lại, họ bỏ chạy và chiến dịch tấn công kết thúc", một chuyên gia an ninh quốc phòng phương Tây đang hoạt động ở Iraq tiết lộ về chiến dịch giải phóng hồi tuần trước. "Giờ đây họ đang tập hợp lại và xem xét các phương án tiếp theo".
Các quan chức Iraq thì tìm cách biện minh rằng chiến dịch giải phóng Mosul phải dừng lại khi các đơn vị quân đội nhận định rằng họ cần có thêm viện binh để giữ các ngôi làng vừa chiếm được. Thiếu tướng Abdullah al-Jubbouri nói rằng các tay súng IS đã đào một mạng lưới đường hầm dưới lòng đất Mosul, và chuẩn bị những kẻ đánh bom tự sát, xe bom chờ đón quân chính phủ.
Thiếu tá Jon-Paul Depreo, sĩ quan tham mưu Mỹ thuộc liên quân quốc tế chống IS tại Iraq và Syria, cho hay nhiều binh sĩ Iraq tham gia chiến dịch giải phóng Mosul không quen thuộc với địa hình, khiến các chỉ huy phải ra lệnh tạm ngừng chiến dịch.
"Những binh sĩ Iraq này không phải tất cả đều là dân địa phương, thế nên họ đang phải tìm hiểu địa hình khu vực", Depreo nói với các phóng viên ở Baghdad.
Trong một tuyên bố đầy hùng hồn hồi tháng trước, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định "Chiến dịch Chinh phạt" là giai đoạn một của quá trình tái chiếm Mosul, với mục tiêu giành lại các khu vực xung quanh thành phố này để làm bàn đạp cho các chiến dịch trong tương lai. Các thị trấn, làng mạc mà quân đội Iraq cần phải chiếm nằm cách Mosul khoảng 75 km.
Quân đội Iraq đặt mục tiêu chiếm được thị trấn Makmour ở ngoại ô Mosul nhưng chưa thực hiện được. Đồ họa:DW |
Để chuẩn bị cho chiến dịch này, Iraq đã huy động 4.500 binh sĩ chính quy, cùng một lực lượng lớn dân quân người Sunni và người Kurd. Quân đội Iraq được trang bị xe thiết giáp Humvee của Mỹ, các khẩu pháo hạng nặng tiên tiến, tên lửa chống tăng, máy bay chiến đấu cùng nhiều loại vũ khí bộ binh, đạn dược do Mỹ cung cấp.
Đòn sỉ nhục
Đây chính là đội quân mà Mỹ đã bỏ nhiều năm trời cùng nhiều tỷ USD để tuyển mộ, trang bị, và huấn luyện quân sự. Lầu Năm Góc hy vọng rằng với những nỗ lực này, họ sẽ xây dựng được một đội quân đáng tin cậy, không còn cảnh vứt bỏ những vũ khí, khí tài hiện đại để tháo chạy ngay khi IS tấn công như cách đây hai năm ở Mosul.
Video: Đặc nhiệm Iraq huấn luyện chiến thuật chống IS
Mỹ và Iraq đã xác định phải tái chiếm Mosul bằng mọi giá, vì thành phố với hai triệu dân này chính là sào huyệt của IS ở Iraq, nơi chúng đang giữ hàng nghìn dân thường làm lá chắn sống. Ngoài ra, hàng nghìn nô lệ tình dục mà IS bắt cóc từ các bộ tộc người Kurd, người Công giáo và Yazidi cũng được cho là đang bị giam giữ tại thành phố này.
Thế nhưng những gì mà các binh sĩ Iraq thực hiện trong những ngày đầu tiên nổ súng tấn công Mosul đã khiến nhiều người thất vọng, và một số quan sát viên cho rằng đây lại là một "đòn sỉ nhục" nữa mà Washington và Baghdad phải hứng chịu trong nỗ lực tiêu diệt phiến quân IS.
Yakhi Hamza, phụ trách Lực lượng Viễn Chinh Đồng minh Mới Số 1, một tổ chức hỗ trợ tình nguyện có thành phần là các cựu binh phương Tây phối hợp tác chiến với chính quyền tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq, cho rằng việc từ bỏ chiến dịch tấn công Mosul chứng tỏ quân đội Iraq vẫn chưa sẵn sàng để chiến đấu.
"Họ chiếm được một ít lãnh thổ, nhưng lại tháo chạy ngay sau đó, khi màn đêm xuống. Họ gần như không đạt được bước tiến nào", ông nói.
Trong thực tế, quân đội Iraq đã chiếm được ba ngôi làng bên ngoài thành phố Mosul từ tay IS, trong đó có một làng nằm cạnh Makmour, thị trấn nằm giữa Mosul và thủ phủ Erbil của người Kurd. Tuy nhiên thị trấn Qayyara, mục tiêu chính của Chiến dịch Chinh phạt, nằm ở bờ tây sông Tigris, lại vẫn đang do IS kiểm soát.
Hamza cho rằng sự thất bại của Chiến dịch Chinh phạt đem lại lợi thế tuyên truyền rất lớn cho IS. "Nó tác động tiêu cực đến toàn bộ quá trình. IS lợi dụng những thất bại đó để rêu rao nhiều hơn, khích lệ thêm sĩ khí của phiến quân", ông cho biết.
"Không ai tin tưởng về khả năng của quân đội Iraq, lực lượng được trang bị và huấn luyện tốt, có thể lấy lại được thành phố", Hamza nhấn mạnh. "Ngay cả khi IS bị đánh đuổi khỏi Mosul nhờ sự hậu thuẫn lớn của lực lượng dân quân người Kurd và liên quân do Mỹ đứng đầu, nhiều người lo sợ rằng phiến quân sẽ tấn công thủ đô Baghdad".
Quân đội Iraq chưa định ra thời điểm cụ thể để tiếp tục chiến dịch tấn công Mosul, và một số nguồn tin cho hay chiến dịch này sẽ không diễn ra trong nhiều tháng tới, thậm chí là trong năm nay. Trong thời gian đó, IS chắc chắn sẽ tiếp tục củng cố lực lượng, bố trí thêm các thiết bị nổ cải tiến ven đường và gài các loại bẫy nổ trong thành phố, thậm chí là chế tạo vũ khí hóa học trong phòng thí nghiệm của Đại học Mosul.
Các quan sát viên tin rằng trong chiến dịch tấn công Mosul tới, quân đội Iraq sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lực lượng Mỹ trên mặt đất. Dù sao, một đội lính Mỹ chưa được tiết lộ quân số cũng đã hiện diện ở khu vực này để yểm trợ hỏa lực và hỗ trợ hậu cần cho quân đội Iraq.
Nhiều binh sĩ Iraq tháo chạy ngay sau khi nghe tiếng súng của IS. Ảnh minh họa:Reuters |
"Lính Mỹ hiện diện ở đây là để giúp đỡ, nhưng số lượng của họ chưa đủ để tạo nên sự khác biệt", một nhà thầu quân sự Mỹ ở Iraq nhận xét. "Mosul là thách thức khó nhằn nhất trong tất cả các thành phố ở Iraq. Tôi không biết quân đội Iraq làm cách nào để có thể sẵn sàng cho một chiến dịch tấn công lớn ở đây".
Tại các thành phố khác ở miền nam, quân đội Iraq thu được thành công dễ dàng hơn. Thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, được giải phóng khỏi IS hồi cuối năm ngoái. Từ đó đến nay, với chiến dịch yểm trợ hỏa lực bằng các trận không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu, IS đã mất khoảng 40% lãnh thổ kiểm soát ở Iraq.
Tuy nhiên, khi được giải phóng, Ramadi đã gần như trở thành một "thành phố chết" vì bị hỏa lực của cả quân đội chính phủ và IS tàn phá. Các lực lượng quân đội Iraq và liên quân quốc tế hy vọng sẽ tránh được tình trạng hủy diệt như vậy trong chiến dịch tấn công Mosul.
Đối với những người dân đang mắc kẹt bên trong Mosul, niềm hy vọng được giải phóng khỏi ách thống trị của IS ngày càng trở nên khắc khoải. Hôm thứ ba, IS đã xử tử 18 dân thường ở Mosul vì bị cáo buộc "hợp tác với chính quyền Baghdad", một ngày sau khi phiến quân giết chết 14 thành viên của mình với cáo buộc tương tự.
Trận không kích của không quân Mỹ bên trong thành phố Mosul
"Mọi người đều đã đánh mất hy vọng", một người dân Iraq có gia đình vẫn đang kẹt lại tại Mosul, nói. "Khi biết rằng chiến dịch giải phóng được bắt đầu, họ đã có niềm tin để sống tiếp".
Theo ông Moen Al Kadimi, phó chỉ huy Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU), người dân bên trong Mosul cần hỗ trợ, phối hợp với quân đội chính phủ một khi chiến dịch giải phóng thành phố được tiếp tục.
"Cuộc giải phóng thực sự cần phải bắt đầu từ bên trong, khi người dân địa phương phối hợp với các lực lượng xung quanh thành phố nổi dậy. Chúng tôi đang chờ đợi sự hậu thuẫn của chính phủ để được tái vũ trang và tiến thẳng đến Mosul", Kadimi tuyên bố.
Theo VNE