Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã ghi nhận kết quả kinh doanh hợp nhất khả quan, dù phải đối mặt với áp lực cạnh tranh do thị trường đang trong tình trạng “cung” vượt “cầu” từ 25 – 30%.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất của Vicem là 13.764 tỷ đồng, tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 952.8 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là 859 tỷ đồng.
Cũng trong nửa đầu năm 2018, Vicem đã sản xuất được 10,15 triệu tấn Clinker và 11,56 triệu tấn xi măng. Trong đó, tổng sản phẩm tiêu thụ Clinker và Xi măng đạt 14,2 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017 (riêng tiêu thụ xi măng bao gồm sản lượng xuất khẩu đạt 11,74 triệu tấn, tăng trưởng 6,6%).
Với mô hình hoạt động công ty mẹ - công ty con nên kết quả kinh doanh trên phần lớn được đóng góp bởi các công ty thuộc sở hữu bởi tập đoàn (tính đến ngày 30/6/2018, Công ty mẹ - Vicem hiện đang sở hữu 22 công ty con), đa số các công ty này hoạt động trong ngành xi măng.
Bên cạnh một số công ty con có kết quả kinh doanh khả quan như Vicem Hoàng Thạch và Hà Tiên 1, nhà đầu tư cũng quan tâm đến các khoản đầu tư vào các công ty con khác được Công ty mẹ - Vicem trích lập dự phòng, có giá trị ghi nhận lến đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, phải kể đến trường hợp của Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long (Xi măng Hạ Long).
Đáng chú ý, bài toán tại Xi măng Hạ Long không chỉ là của riêng công ty này, nó còn góp phần giúp Bộ Xây dựng thực hiện hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, vốn đã bị “trễ” hẹn hơn 2 năm.
Băn khoăn quá trình tái cơ cấu tại Xi măng Hạ Long
Trước tiên, Xi măng Hạ Long, lưu ý, là doanh nghiệp được Vicem “nhận lại” từ Tổng Công ty Sông Đà (SDC) - một tổng công ty nhà nước khác thuộc Bộ Xây dựng, có quy mô tới hàng nghìn tỳ đồng. Nguyên nhân là do, trong quá trình cổ phần hóa SDC, doanh nghiệp này phải tiến hành thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành và Xi măng Hạ Long là một trong số đó.
Cụ thể, ngày 20/1/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-BXD về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước của SDC tại Xi măng Hạ Long về Vicem quản lý theo hình thức ghi tăng – ghi giảm vốn với số lượng cổ phiếu tương ứng với 65,75% vốn điều lệ của Xi măng Hạ Long (tại thời điểm đó).
Đến ngày 22/2/2016, Xi măng Hạ Long sau khi hoàn tất việc đăng ký và chuyển đổi cổ phần đã chính thức trở thành công ty con, có hoạt động kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính của Vicem. Tuy nhiên, Xi măng Hạ Long lúc này đang “chìm sâu” trong thua lỗ và nợ nần, Vicem với vai trò mới đã phải đặt mục tiêu cơ cấu công ty này lên hàng đầu.
Khối lượng công việc bao gồm khá nhiều hạng mục như: tái cơ cấu về tổ chức; tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu lại các khoản nợ vay ngân hàng, vay từ Quỹ tích lũy BTC và vay đối tượng khác; giãn và hoãn thời gian trả nợ đối với các khoản nợ đã đến hạn phải trả; giảm lãi suất và các hỗ trợ tài chính, cơ chế đặc thù khác cho Xi măng Hạ Long.
Tác động của thương vụ "chuyển nhượng" có thể thấy rõ trong Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét năm 2016 của Vicem.
Ngay từ những trang đầu tiên của BCTC, kiểm toán viên đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc ghi nhận các khoản chi phí lãi vay của Xi măng Hạ Long.
Cụ thể, kiểm toán viên cho biết Xi măng Hạ Long đã không ghi nhận các khoản lãi phạt chậm trả đối với các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với tổng số tiền là 74,5 tỷ đồng (bao gồm lãi phạt chậm trả trên lãi là 48,6 tỷ đồng và lãi phạt chậm trả trên gốc là 25,9 tỷ đồng lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2015 (thời điểm trước khi Xi măng Hạ Long được chuyển giao về Vicem).
Các khoản lãi phạt chậm trả không được ghi nhận mà kiểm toán viên nhấn mạnh trong ý kiến kiểm toán chỉ phản ánh phần nổi trong bức tranh tài chính của Xi măng Hạ Long khi về với Vicem.
Tính đến cuối năm 2016, các khoản vay và nợ thuê tài chính của Vicem đạt mức 19.008 tỷ đồng, tăng 3.024 tỷ đồng so với năm 2015, đa số các khoản vay mới trên báo cáo tài chính hợp nhất có liên quan tới Xi măng Hạ Long.
Bên cạnh đó, các khoản phải trả là phí bảo lãnh và lãi vay đã quá hạn có liên quan tới Xi măng Hạ Long lên tới gần 700 tỷ đồng, bao gồm: 334 tỷ đồng (phải trả ngắn hạn) là các khoản vay thông qua SDC với Quỹ tích lũy Bộ Tài chính, Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)...; và 342,6 tỷ đồng là lãi vay (phải trả dài hạn) ngân hàng VDB, chi nhánh Quảng Ninh.
Các hoạt động tái cơ cấu tại Xi măng Hạ Long vẫn chưa đem lại nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, công ty này tiếp tục ghi nhận khoản lỗ gần 200 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên đến hơn 3.600 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2018, Vicem đã đầu tư 1.606 tỷ đồng vào Xi măng Hạ Long. Nhưng đồng thời cũng trích lập dự phòng con số tương ứng.
|
Mặc dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty mẹ - Vicem vẫn tiếp tục rót thêm vốn với giá trị khoảng 480 tỷ đồng cho Xi măng Hạ Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 82,69% vốn điều lệ.
Đáng nói là đồng thời với việc góp thêm vốn, Vicem cũng ngay lập tức trích lập dự phòng cho toàn bộ số tiền đầu tư tại Xi măng Hạ Long - kể cả số tiền vừa góp thêm.
Thực tế này cho thấy rằng, Vicem đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho kịch bản xấu nhất, là sẽ mất trắng toàn bộ khoản đầu tư vào Xi măng Hạ Long. Biết là góp có thể mất, nhưng mất vẫn phải góp (!).
Mà không chỉ là góp vốn, một lượng tiền đáng kể khác cũng được Vicem rót vào Xi măng Hạ Long theo hình thức cho vay.
Cụ thể, nửa đầu 2018, Vicem đã cho Xi măng Hạ Long vay thêm 50 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ phải thu về cho vay ngắn hạn cuối kỳ lên mức 150 tỷ đồng.
Các hoạt động hỗ trợ tài chính trên, đến nay vẫn chưa thể đánh giá được hiệu quả. Tuy nhiên, "gánh nặng" từ Xi măng Hạ Long là một phần nguyên nhân khiến cho kế hoạch cổ phần hóa của Công ty mẹ - Vicem năm 2017 chưa thực hiện được và phải lùi đến năm 2019.
Trong khi đó, Công ty mẹ - Tổng Công ty Sông Đà (SDC), đơn vị thực hiện "chuyển nhượng" Xi măng Hạ Long cho Vicem đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu vào ngày 26/3/2018./.