|
VIB: Bên cạnh kết quả lợi nhuận kỷ lục…. (Ảnh: VIB) |
Theo BCTC hợp nhất IV/2017 vừa được Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) công bố, riêng quý IV/2017, VIB ghi nhận 782 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,6 lần kết quả cùng kỳ năm trước, kết quả này phần lớn dựa vào nguồn thu từ thu nhập lãi thuần.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng VIB trong kỳ đạt 1.096 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ gấp đôi cùng kỳ đạt 160 tỷ đồng. Tuy nhiên các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều gia tăng thua lỗ. Lãi từ hoạt động khác cũng giảm mạnh 35% còn 46 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động trong kỳ tăng nhẹ lên 600 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 71% lên 127 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2017, tổng lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 1.405 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Sau thuế, lợi nhuận của ngân hàng còn 1.124 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận năm kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VIB từ trước đến nay – tất nhiên, để xác tín hơn, cần chờ kết quả soát xét của đơn vị kiểm toán.
Đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của ngân hàng VIB đạt 123 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt 79,8 nghìn tỷ đồng, tăng 33%. Tiền gửi của khách hàng đạt 68,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15,3%.
Như vậy, xét riêng trên thị trường 1, tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) đã lớn hơn 1 – chính xác là 1,17 lần. Có nghĩa rằng, VIB đang phải huy động một phần vốn đáng kể từ các tổ chức tín dụng khác (liên ngân hàng) để cấp tín dụng cho khu vực dân cư và các tổ chức kinh tế. Thực tế, chốt tại 31/12/2017, giá trị tiền gửi và vay các TCTD khác của VIB là 33.696 tỷ đồng – chiếm tới 27,3% tổng tài sản và gấp gần 4 lần vốn tự có của ngân hàng. Trong khi ở hướng ngược lại, giá trị tiền, vàng gửi tại các TCTD khác của VIB chỉ là 10.275 tỷ đồng – chưa bằng 1/3.
Lưu ý rằng, giá trị dư nợ tín dụng thị trường 1 nêu phía trên của VIB mới chỉ xét đến cho vay khách hàng, chứ chưa tính các khoản cấp tín dụng thông qua hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nếu tính đầy đủ, dư nợ tín dụng của nhà băng này hẳn còn cao hơn nữa.
Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng, các con số trên bảng cân đối kế toán chỉ là nhất thời, phản ánh giá trị tại một thời điểm cụ thể, chứ chưa hẳn là mức phổ biến cả kỳ. Song lưu ý rằng, bắt đầu từ BCTC năm 2015 đến nay, thì tại thời điểm cuối các năm, giá trị huy động của VIB luôn thấp hơn dư nợ tín dụng (bao gồm số dư cho vay khách hàng và TPDN). Chẳng hạn cuối năm 2016, VIB chỉ huy động được 59.261 tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng lại đạt tới 70.088 tỷ đồng; Hay cuối năm 2015, giá trị huy động là 53.304 tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng lại đạt tới 54.978 tỷ đồng. Cuối các năm trước đó, tỷ lệ LDR này lại luôn nhỏ hơn 1.
Nhìn nhận một cách khách quan, LDR lớn hơn 1 như vừa nêu ở VIB chưa hẳn đã là điều gì không hay. Nó phản ánh năng lực giải ngân tốt của ngân hàng, tốt đến mức “buôn” được tiền từ các TCTD khác để cho vay lai kiếm lời. Tuy nhiên, tình trạng LDR lớn hơn 1 được duy trì liên tục trong thời gian dài phần nào bộc lộ năng lực huy động hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tính cân đối nguồn vốn và phát triển bền vững của ngân hàng. Bài học tăng trưởng “nóng” của Eximbank và nhiều nhà băng khác trong những năm đầu 2010 hẳn là điều mà VIB nên lưu tâm.
Theo công bố của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC): Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống khoảng 87,3% (năm 2016 là 85,6%); Trong đó, tỷ lệ LDR bằng VND là 88,6%, bằng ngoại tệ là 75,8%. Mức tỷ lệ này, thực tế, khá chênh lệch với giá trị tương ứng ở VIB, phản ánh cơ cấu khác biệt của ngân hàng này so với phần đông thành viên hệ thống.
Về các chỉ tiêu khác tại BCTC, tính đến cuối năm 2017, tổng nợ xấu của ngân hàng VIB ở mức 1.985 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm 94%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,48% trên tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm (2,57%). Một nét tích cực là trong năm vừa qua, VIB đã mua lại gần 524 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để thu hồi và xử lý.
Song cũng nên lưu ý về 2.383 tỷ đồng tài sản có khác ở ngân hàng này. Trong đó, chiếm lớn nhất là hạng mục các khoải lãi, phí phải thu (lãi dự thu), với giá trị 1.116 tỷ đồng.
Cũng theo BCTC hợp nhất của ngân hàng VIB, tiền lương bình quân của mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng trong năm 2017 là 16,68 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân ở mức 20,33 triệu đồng, tăng không đáng kể so với năm trước. Dĩ nhiên, đây chỉ là kết quả của một phép toán bình quân gia quyền, cào bằng thu nhập giữa quản lý và nhân viên.
Liên tục phát hành trái phiếu
Ngay khi vừa bước vào năm mới 2018, VIB đã thông báo kế hoạch phát hành riêng lẻ 2.800 tỷ đồng trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không được đảm bảo và không kèm chứng quyền với giá phát hành bằng 100% mệnh giá (1 tỷ đồng).
Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm dự kiến sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động của nhà băng này. Đối tượng mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp là các tổ chức trong nước không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty con của TCTD.
Trước đó, vào trung tuần tháng 12/2017, VIB cũng lên kế hoạch huy động 1.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 61 tháng và 84 tháng. Với kỳ hạn dài trên, VIB có thể bổ sung vốn cấp 2 và đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng.
Nguồn huy động từ việc phát hành trái phiếu ngân hàng sẽ giúp VIB cải thiện phần nào chỉ số LDR đang khá “căng”./.