|
Mẫu phi cơ Su-35 do Nga chế tạo (Ảnh: National Interest) |
Trung Quốc trước đây đã mua 24 phi cơ chiến đấu Su-35 - phiên bản nâng cấp của mẫu Su-27 Flanker có từ thời Chiến tranh Lạnh - trong một thương vụ trị giá 2,5 tỷ USD năm 2015 - theo Hãng thông tấn TASS của Nga.
"Chúng tôi mong đợi phản hồi từ phía Trung Quốc về đề xuất của chúng tôi trong việc mua các vũ khí cùng trang thiết bị quân sự hiện đại mà Nga sản xuất, trong đó có các phi cơ chiến đấu Su-35" - TASS dẫn nguồn tin cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga hồi tuần trước cho hay.
Chỉ 2 ngày sau, một kênh truyền hình quân đội của Trung Quốc đưa tin rằng nước này có thể mua thêm Su-35 để thay thế các máy bay đời cũ. Trung Quốc sở hữu khoảng 3.000 máy bay quân sự - gần tương đương với không quân Mỹ - trong đó bao gồm 1.700 chiến đấu cơ. Nhưng rất nhiều chiếc trong số này là máy bay từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó gồm hàng trăm chiếc MiG-21 phiên bản Trung Quốc. Bởi vậy, dù đang đầu tư mạnh tay vào chương trình phát triển mẫu phi cơ tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 (có thể trở thành đối trọng của mẫu F-22, F-35 của Mỹ) lực lượng không quân Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi phải duy trì hoạt động của một nhóm các máy bay chiến đấu lỗi thời.
Mới đây, tờ Global Times dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng có nhiều lý do khác để họ mua mẫu Su-35. Vị chuyên gia, ông Fu Qianshao, nói với tờ Global Times rằng "dù Trung Quốc có thể mua Su-35, nhưng điều đó không có nghĩa là để thay thế các chiến đấu cơ cũ của Trung Quốc bởi máy bay của Nga quá đắt đỏ trong khi Trung Quốc còn quá nhiều máy bay cũ. Chỉ có chiến đấu cơ sản xuất trong nước mới có thể lấp chỗ trống mà các máy bay cũ để lại".
"Đã từng mua nhiều Su-35 trước đây, Trung Quốc không cần phải mua thêm để học kỹ thuật từ nó" - ông Fu nói. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự mua thêm mẫu này, nó có thể giúp tăng hiệu quả hỗ trợ hậu cần cho các hạm đội chiến đấu cơ, bởi sẽ có thêm nhiều bộ phận thay thế và nhân sự kỹ thuật cao - ông Fu nhận định, thêm rằng các yếu tố chính trị và kinh tế cũng đóng vai trò trong việc cân nhắc về thỏa thuận mua bán sắp tới, nhất là trong lúc quan hệ Nga-Trung ngày càng trở nên gần gũi.
Giới phân tích Trung Quốc cũng đưa ra một luận điểm: Sức mạnh không quân giờ đã thoát khỏi xu hướng lấy số đông như trong Thế chiến II hay Chiến tranh Lạnh, thay vào đó là xu hướng lấy hạm đội nhỏ nhưng quy tụ các chiến đấu cơ tối tân và đắt tiền. Nếu Bắc Kinh chỉ mua 24 chiếc Su-35 trong thương vụ đầu tiên với giá 2,5 tỷ USD, sau đó mua thêm hàng trăm chiếc để thay thế mẫu J-7 và J-8, thì điều đó sẽ là thảm họa về tài chính. Nhưng điều thú vị là ý tưởng cho rằng thương vụ Su-35 sẽ mang lại lợi ích cho ngành hàng không Nga, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trì trệ nhưng khả năng nghiên cứu và chế tạo trang thiết bị quân sự lại vẫn rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có niềm tự hào của họ về sức mạnh kinh tế và quân sự đang trỗi dậy, cùng khả năng phát triển các vũ khí tối tân như chiến đấu cơ tàng hình. Và với quan điểm như vậy, thật bất ngờ khi nước này vẫn cần phải nhập khẩu chiến đấu cơ, động cơ phản lực, tên lửa đối không cùng nhiều trang thiết bị quân sự khác. GDP của Trung Quốc lớn hơn Nga khoảng 9 lần (Anh cũng mua chiến đấu cơ của Mỹ dù nền kinh tế của họ chỉ bằng 1/8 của Mỹ).
Cũng có lý do rất rõ ràng để lý giải việc Trung Quốc mua chiến đấu cơ của Nga: Hai nước cựu thù từng lao vào một cuộc chiến biên giới giờ đang có mối quan hệ ngày càng gần gũi. Thế nhưng với những tham vọng to lớn của mình, sẽ đến lúc Trung Quốc phải dựa vào chính các nguồn lực nội tại.
Theo National Interest