Loại tên lửa liên lục địa nào đã được phóng?
Theo Tân Hoa Xã, vào lúc 8h44 ngày 25/9, Lực lượng tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã “phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn mô phỏng huấn luyện vào vùng biển quốc tế trên Thái Bình Dương và rơi chính xác xuống khu vực biển được xác định trước”. Đáng chú ý, đây là vụ phóng tên lửa liên lục địa đầu tiên ra Thái Bình Dương sau 44 năm.
Thông báo của Tân Hoa Xã viết: “Vụ phóng này là sự sắp xếp thường kỳ trong hoạt động huấn luyện quân sự hàng năm của Lực lượng Tên lửa, đạt được mục đích dự định kiểm nghiệm tính năng vũ khí trang bị và trình độ huấn luyện bộ đội; Trung Quốc đã thông báo trước vụ phóng cho các quốc gia liên quan”.
Vì vụ phóng được thực hiện bởi Lực lượng tên lửa của PLA nên đương nhiên đây là dòng tên lửa liên lục địa phóng từ mặt đất "Dongfeng", chứ không phải dòng tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm "Julang" của Hải quân.
Đối với mẫu tên lửa cụ thể, nhiều người cho rằng có ba khả năng: Đó là loại tên lửa liên lục địa phóng từ giếng phóng (silo) "Dongfeng-5B", hoặc tên lửa liên lục địa phóng từ xe phóng di động "Dongfeng-31" hoặc tên lửa liên lục địa phóng từ xe "Dongfeng-41". Tuy nhiên, liệu còn có khả năng thứ tư? Liệu có phải Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đang thử nghiệm một loại tên lửa liên lục địa mới đang trong quá trình sản xuất sắp được hoàn thiện?
Mẫu tên lửa liên lục địa "Dongfeng-5B" ra đời từ những năm 1980 và cần được thay thế bằng mẫu tên lửa liên lục địa phóng từ giếng phóng mới. Đây là việc cực kỳ quan trọng để "Trung Quốc duy trì lực lượng phản công hạt nhân đáng tin cậy".
Xét cho cùng, tên lửa liên lục địa hạng nặng đặt trong hầm phóng trên đất liền mang “sứ mệnh tấn công hạt nhân đợt đầu” cực kỳ quan trọng và là “cú đấm hạt nhân” mạnh mẽ nhất đối với các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc, Mỹ và Nga là "ba quốc gia Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", đều rất coi trọng việc phát triển tên lửa liên lục địa phóng từ giếng phóng trên đất liền.
Hiện nay, Lực lượng Không quân Mỹ đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tên lửa liên lục địa phóng từ mặt đất "Sentinel" thế hệ mới. Mặc dù dự án đã siêu chi nghiêm trọng, các quan chức cấp cao của Không quân Mỹ vẫn kiên trì thúc đẩy nó.
Nga đang đẩy mạnh thử nghiệm tên lửa liên lục địa phóng từ mặt đất thế hệ mới RS-28 Sarmat, mặc dù đã xảy ra sự cố phóng thất bại cách đây vài ngày, nhưng tin rằng chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin sẽ không dễ dàng dừng lại hoặc từ bỏ nỗ lực phóng thử tiếp theo.
Một thông điệp gửi Mỹ?
Đối với Trung Quốc, việc thay thế "Dongfeng-5B" dùng nhiên liệu dạng lỏng có tính năng tổng thể đã lỗi thời bằng một loại tên lửa liên lục địa mới đương nhiên là việc cần thiết để không tụt hậu so với các nước khác.
Nghĩ theo hướng này, người ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tên lửa liên lục địa vừa phóng có thể là loại "Dongfeng-51" đã được bên ngoài đồn đại từ lâu mà Trung Quốc chưa chính thức công bố.
Tất nhiên, ngoài vấn đề thứ hạng trang bị, việc phóng thử tên lửa liên lục địa thường ẩn chứa ý nghĩa chính trị mạnh mẽ, cụ thể là dùng để răn đe, cảnh báo thế lực bên ngoài.
Cách đây không lâu, quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống phóng tên lửa từ mặt đất "Typhon" ở Philippines. Xe phóng của hệ thống này có thể mang và phóng tên lửa hành trình "Tomahawk" từ mặt đất. Khi phóng từ Philippines, "Tomahawk" có thể bao phủ hầu hết trung tâm và miền đông Trung Quốc. Không chỉ vậy, Mỹ còn đang thương thảo với Nhật Bản để thăm dò việc triển khai "Typhon" tới các căn cứ ở Nhật gần với Trung Quốc hơn. Trung Quốc cho rằng ý định “bao vây Trung Quốc bằng tên lửa hành trình tầm xa” của Mỹ là rất rõ ràng.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, “giờ đây Mỹ đã đặt tên lửa ngay trước cửa nhà, nên Trung Quốc không thể ngồi yên không làm gì. Việc phóng tên lửa liên lục địa là nhằm gửi lời cảnh báo nghiêm khắc và rõ ràng tới Mỹ và các thế lực xấu bên ngoài: Trung Quốc tuy yêu chuộng hòa bình nhưng cũng có quyết tâm và sức mạnh đấu tranh để bảo vệ hòa bình. Không ai được đánh giá thấp hoặc bỏ qua điều này”.
Rộ tin tên lửa liên lục địa Nga thử nghiệm thất bại, Điện Kremlin lên tiếng
Giải mã tên lửa siêu thanh "Palestine-2” lực lượng Houthi dùng để oanh kích Israel
Nga biến bệ phóng tên lửa do Mỹ sản xuất thành "hố lửa"
Theo NetEasy