Vì sao tiêm 2 mũi vaccine, bệnh nhân và người nhà ở BV Việt Đức đến BV khác phải cách ly 21 ngày?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, dù đã tiêm 2 mũi vaccine, tất cả bệnh nhân và người nhà từng điều trị ở Bệnh viện (BV) Việt Đức chuyển sang BV khác vẫn cần cách ly 21 ngày.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh nặng từ BV Hữu nghị Việt Đức chuyển sang (Ảnh - Minh Thuý)
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh nặng từ BV Hữu nghị Việt Đức chuyển sang (Ảnh - Minh Thuý)

Sau khi khoảng 1.000 bệnh nhân ở BV Hữu nghị Việt Đức và người nhà đi cùng được chuyển sang 3 BV trên địa bàn Hà Nội (BV Đức Giang, BV Thanh Nhàn, BV Đại học Y Hà Nội) để điều trị, một số người nhà bệnh nhân ở BV Hữu nghị Việt Đức đã bày tỏ sự bức xúc khi họ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 mà vẫn phải cách ly như đối tượng có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Chia sẻ với PV, anh C.Q.T., sống ở quận Tây Hồ – người nhà chăm sóc bệnh nhân điều trị ở BV Hữu nghị Việt Đức đã tiêm 2 mũi vaccine – cho hay: “Việc để người bệnh và người nhà chăm sóc bệnh nhân ở cùng 1 phòng, người chưa tiêm vaccine và người đã tiêm vaccine ở cùng nhau tại BV cần phải xem xét lại vì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Người chưa tiêm và người tiêm rồi cũng như nhau. Giờ tôi không biết rằng tôi và bố tôi sẽ phải ở BV trong bao lâu, phải test COVID bao nhiêu lần nữa. Do đó, tôi muốn được cách ly ở nhà. Khi cách ly ở nhà tôi sẽ ký cam kết và đảm bảo quy định phòng, chống dịch”.

Anh C.Q.T., sống ở quận Tây Hồ – người nhà chăm sóc bệnh nhân điều trị ở BV Hữu nghị Việt Đức (Ảnh - Minh Thuý)

Anh C.Q.T., sống ở quận Tây Hồ – người nhà chăm sóc bệnh nhân điều trị ở BV Hữu nghị Việt Đức (Ảnh - Minh Thuý)

Cùng quan điểm với anh T., anh P.G.N.- người nhà chăm sóc bố mổ u ở BV Hữu nghị Việt Đức vừa chuyển đến BV Thanh Nhàn để cách ly - cho biết: “Tôi cho rằng việc để cả người nhà người bệnh và bệnh nhân cách ly, điều trị chung 1 chỗ, vừa đông, vừa nguy hiểm, không thể đảm bảo an toàn. 1 buồng bệnh chỉ nên có 1 người nằm, để 2 người nằm cùng sẽ rất chật vì kèm theo cả người chăm sóc. Trước đó, tôi đã tiêm 1 mũi vaccine, bố tôi và tôi vào BV Hữu nghị Việt Đức lúc 2h, đến 4h thì BV phong toả nên không thể có nguy cơ nhiễm bệnh được. Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là được test COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính để được cách ly tại nhà, tôi không muốn cách ly tập trung ở BV như bây giờ”.

Anh P.G.N.- người nhà chăm sóc bố phẫu thuật ở BV Hữu nghị Việt Đức vừa chuyển đến BV Thanh Nhàn để cách ly (Ảnh - Minh Thuý)

Anh P.G.N.- người nhà chăm sóc bố phẫu thuật ở BV Hữu nghị Việt Đức vừa chuyển đến BV Thanh Nhàn để cách ly (Ảnh - Minh Thuý)

Tiêm vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh

Trước những thắc mắc của người nhà chăm sóc bệnh nhân về việc tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 thì được cách ly như thế nào, ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang - cho hay: “Gần đây đã xuất hiện trường hợp tiêm vaccine COVID-19 nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2 và có thể lây bệnh cho người khác. Như vậy, tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị bệnh. Vì thế, đối với tất cả các bệnh nhân có yếu tố dịch tễ về từ BV Hữu nghị Việt Đức, BV đang áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như nhau – cách ly, theo dõi, tầm soát. Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, BV đã xét nghiệm lại toàn bộ người bệnh. Nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính thì 7 ngày sau BV tiếp tục xét nghiệm thêm 1 lần nữa. Tổng thời gian cách ly của toàn bộ bệnh nhân và người nhà người bệnh được chuyển từ BV Hữu nghị Việt Đức sang BV là 21 ngày (như đối với F1)”.

Các bác sĩ ở BV Đa khoa Đức Giang vận chuyển bệnh nhân tới khu vực điều trị (Ảnh - BVCC)

Các bác sĩ ở BV Đa khoa Đức Giang vận chuyển bệnh nhân tới khu vực điều trị (Ảnh - BVCC)

Thông tin về tình hình tiếp nhận bệnh nhân và người nhà chăm sóc người bệnh của BV Hữu nghị Việt Đức, lãnh đạo BV Đa khoa Đức Giang – cho biết: “Đến sáng nay, ngày 5/10, BV đã tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân và người nhà chăm sóc bệnh nhân chuyển từ BV Hữu nghị Việt Đức sang. Các bệnh nhân của BV Hữu nghị Việt Đức được chuyển sang BV Đa khoa Đức Giang là những bệnh nhân mắc bệnh ngoại khoa thuộc nhóm đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 (gọi là FX)”.

Theo ông Thường, để điều trị cho các bệnh nhân này, BV phải thực hiện song song 2 việc – vừa điều trị bệnh nền cho người bệnh, vừa cách ly để phòng, chống nhiễm khuẩn và phát hiện sớm nguồn lây COVID-19. BV đã sắp xếp cho tất cả bệnh nhân của BV Hữu nghị Việt Đức vào khu cách ly, điều trị riêng, không để nằm chung với các bệnh nhân khác, đồng thời, chống bội nhiễm, nhiễm khuẩn bằng cách đảm bảo khoảng cách giữa các bệnh nhân, giữa các giường bệnh, định kỳ xét nghiệm COVID-19 7 ngày/lần.

Với những trường hợp bị chấn thương, mắc bệnh nền nặng,… các bác sĩ của BV sẽ theo dõi, chăm sóc, làm xét nghiệm,… Nếu bệnh nhân đã được mổ thì các bác sĩ sẽ chăm sóc hậu phẫu, đảm bảo tiêu chuẩn bảo hiểm cho bệnh nhân có BHYT.

Các bác sĩ kiểm tra khu vực điều trị bệnh nhân từ BV Hữu nghị Việt Đức chuyển sang (Ảnh - Minh Thuý)

Các bác sĩ kiểm tra khu vực điều trị bệnh nhân từ BV Hữu nghị Việt Đức chuyển sang (Ảnh - Minh Thuý)

Đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân có bệnh nền nặng

Tại BV Thanh Nhàn, công tác chăm sóc cho bệnh nhân chuyển từ BV Hữu nghị Việt Đức sang đã được các bác sĩ thực hiện chu đáo, đảm bảo an toàn. Sáng nay, ngày 5/10, PV VietTimes đã trực tiếp đến BV để ghi nhận việc cách ly, điều trị cho người bệnh.

Qua quan sát của PV, tất cả bệnh nhân của BV Hữu nghị Việt Đức đã được sắp xếp vào các phòng bệnh của BV với trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ và có người nhà đi kèm. Các bệnh nhân và người chăm sóc đều tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

BSCKII. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn – cho biết: “Ngay từ đêm qua, BV đã tiếp nhận từ BV Hữu nghị Việt Đức 194 bệnh nhân và 161 người nhà của bệnh nhân. Các trường hợp bệnh nhân chuyển sang BV Thanh Nhàn đều là những bệnh nhân sau phẫu thuật, có cả các bệnh nhi.”

BSCKII. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn (Ảnh - Minh Thuý)

BSCKII. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn (Ảnh - Minh Thuý)

Đối với những trường hợp bệnh nhân từ BV Hữu nghị Việt Đức chuyển sang, BV đã xếp bệnh nhân theo đúng chuyên khoa, mặt bệnh. Những bệnh nhân phẫu thuật sọ não và hồi sức thần kinh tương đối nặng được sắp xếp phòng bệnh phù hợp trong điều trị, có hệ thống oxy, trang thiết bị máy móc theo dõi người bệnh. Các bác sĩ của ngoại thần kinh, sọ não, điều dưỡng,… của BV đều có chuyên môn, kinh nghiệm chăm sóc người bệnh. Đại đa số bệnh nhân được nhận vào buổi tối. Với 1 số bệnh nhân cấp cứu, các bác sĩ của BV đã điều trị bằng thuốc, dịch truyền,... đảm bảo oxy và chế phẩm máu cho bệnh nhân duy trì chỉ số sinh tồn”.

Bà Hương cho hay: "BV đang tiếp tục sàng lọc bệnh nhân. Mặc dù các bệnh nhân có xét nghiệm âm tính nhưng vẫn là những đối tượng nguy cơ cao. BV sẽ xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm F0, bóc tách F0 ra khỏi khu điều trị, đồng thời, nhắc nhở kiểm soát bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tránh đi lại nhiều giữa các buồng bệnh, đảm bảo bệnh nhân và người nhà không bị lây nhiễm chéo giữa các phòng, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn trong ăn uống, sinh hoạt để người bệnh yên tâm. Đối với những bệnh nặng hoặc cần theo dõi chặt chẽ, BV đã kết nối với bác sĩ ở BV Hữu nghị Việt Đức theo chuyên khoa để chia sẻ thông tin".

Người nhà chăm sóc bệnh nhân tại BV (Ảnh - Minh Thuý)

Người nhà chăm sóc bệnh nhân tại BV (Ảnh - Minh Thuý)

Về việc cách ly đối với những trường hợp đã tiêm vaccine, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn thông tin: “Theo quy định, sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine, 7 ngày âm tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ được trở về địa phương tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Tùy tính chất của bệnh, nếu được ra viện, chúng tôi sẽ trả bệnh nhân về BV khác hoặc gia đình để theo dõi”.

Như VietTimes đã đưa tin, ngoài BV Đức Giang và BV Thanh Nhàn, các bệnh nhân của BV Hữu nghị Việt Đức còn được chuyển sang BV Đại học Y Hà Nội với số lượng khoảng 200 bệnh nhân và người nhà.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê chỉ đạo: Việc chuyển bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra khỏi BV Hữu nghị Việt Đức để nhanh chóng giãn cách, làm sạch bệnh viện là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên bệnh nhân, người nhà chuyển đi phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch và Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức phải rà soát chặt chẽ. Quá trình di chuyển đề nghị Sở Y tế Hà Nội, quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ BV.

Ông Khuê cũng đồng ý với đề xuất của BV Hữu nghị Việt Đức là giải tỏa nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 3 lần xét nghiệm nếu âm tính có thể giãn cách ra khách sạn lưu trú, sau đó vào chăm sóc người bệnh hằng ngày, hoặc giãn cách theo hình thức phù hợp. "Tuy nhiên, cách làm phải đảm bảo an toàn"- Ông Khuê nhấn mạnh.