Theo báo Nhật Nikkei (Nihon keizai shinbun) ngày 12/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã chính thức đề cử bà Katherine Tai (Dai Qi, Đới Kỳ), một phụ nữ người Mỹ gốc Trung Quốc, làm Đại diện thương mại tiếp theo của Mỹ và giới thiệu bà với cả nước. Katherine Tai sẽ là người gốc Trung Quốc đầu tiên trong nội các tương lai của chính quyền Joe Biden và sẽ thay thế ông Robert Lighthizer, trở thành “vua thương mại” của Mỹ.
Sẽ tiếp tục chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc
Tại cuộc họp báo tại Trụ sở đội ngũ chuyển tiếp của ông ở Wilmington, bang Delaware, Joe Biden nói: “Bà ấy (Katherine Tai) sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhóm kinh tế, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của tôi. Thương mại sẽ trở thành trụ cột then chốt của chúng ta để phục hồi nguyên khí và thực hiện tốt hơn chính sách đối ngoại của chúng ta - chính sách ngoại giao đối với tầng lớp trung lưu".
Joe Biden đã nói về kinh nghiệm làm việc của Katherine Tai: "Trong chính quyền Obama-Biden trước đây, bà ấy là người chủ chốt thực thi thương mại chính chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc. Đây cũng sẽ là một nhiệm vụ then chốt của chính quyền Biden-Harris”.
Bài báo của Nikkei chỉ ra rằng, ông Biden nhấn mạnh kinh nghiệm của bà Katherine Tai với tư cách là người thực thi thương mại và nhiều lần nhắc đến “chính sách đối ngoại đối với tầng lớp trung lưu”, điều này cho thấy chính sách thương mại “cứng rắn với Trung Quốc” của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump dường như sẽ tiếp tục tồn tại, ít nhất là trong tương lai gần.
Ngày 11/12, tại Wilmington, ông Joe Biden và bà Kamala Harris nghe bà Katherine Tai nói về chính sách thương mại tới đây của Mỹ (Ảnh: AP). |
Ông Joe Biden nói: "Bà ấy (Katherine Tai) hiểu rằng chúng ta cần phải có tính chiến lược hơn trước đây trong thương mại, điều này sẽ khiến chúng ta mạnh hơn và càng mạnh hơn nữa thông qua thương mại”.
Bà Katherine Tai nói tại cuộc họp báo: "Tôi đã từng đến Geneva cùng một đồng nghiệp ở Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ để đệ đơn kiện chống lại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".
Bà kể lại: "Chúng tôi đang ngồi bên bàn. Cha mẹ bà ấy là người nhập cư từ miền nam Ấn Độ. Cha mẹ tôi đến từ Đài Loan. Khi chúng tôi giơ tấm biển chứng tỏ mình là đại diện cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trước tòa, trong tim tôi tràn đầy niềm tự hào".
Theo hãng thông tấn Hong Kong China News Agency (CNA), ông Mã Vĩ, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng bà Katherine Tai có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán thương mại và có thể là một đối thủ khó khăn hơn đối với Trung Quốc.
Ông Dư Diểu Kiệt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng trong thời gian ngắn, chính sách thương mại của ông Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách của ông Donald Trump và ông lạc quan rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ đạt được giai đoạn hai của hiệp định thương mại.
Theo phân tích của các cơ quan truyền thông, sự ưu ái bà Katherine Tai của ông Joe Biden dường như cho thấy chính phủ Mỹ khóa tới có ý định đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đồng minh, muốn nhanh chóng giải quyết tranh chấp thương mại đang bế tắc với Trung Quốc nhưng vẫn có thể tiếp tục lập trường cứng rắn hơn.
Truyền thông Mỹ đưa tin bà Katherine Tai trong những tuần gần đây đã giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội, giới lao động và kinh doanh.
Nhóm quá độ của ông Biden đã viết trong bản tuyên bố rằng Katherine Tai là một “công chức tận tâm được tôn trọng và chuyên gia thương mại quốc tế cao cấp” và cho rằng bà sẽ sử dụng kinh nghiệm của mình để “giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra và thực hiện tầm nhìn về chiến lược thương mại ủng hộ công nhân Mỹ của tổng thống đắc cử”.
Nếu được Thượng viện chấp thuận, Katherine Tai sẽ đảm nhận chức vụ quan trọng này trong nội các. Nhiệm vụ chính của bà là thực thi các quy tắc nhập khẩu của Mỹ và điều phối các điều khoản thương mại với Trung Quốc và các nước khác.
Katherine Tai đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong các cơ quan chính phủ. Bà đã được khẳng định vì đại diện cho đảng Dân chủ phát huy tác dụng quan trọng giúp chính quyền ông Trump trong đàm phán Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) đã có hiệu lực trong năm nay.
Bà Katherine Tai sẽ thay thế ông Robert Lighthizer (trái) trong cuộc đấu thương mại với Trung Quốc (Ảnh: Getty). |
Mặc dù Chủ tịch Hạ viện Pelosi và ông Trump không hợp nhau về nhiều vấn đề, nhưng với nỗ lực của Katherine Tai và những người khác, cuối cùng mong muốn của chính quyền Trump về việc viết lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã trở thành hiện thực và thỏa mãn các yêu cầu của Đảng Dân chủ, bao gồm việc có các điều khoản bảo vệ môi trường và người lao động mạnh mẽ hơn.
Trước năm 2014, Katherine Tai từng là cố vấn hàng đầu về thực thi thương mại với Trung Quốc tại Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Trong giai đoạn này, chính quyền Obama đã đệ đơn kiện tranh chấp thương mại chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bà Katherine Tai là người đã giải quyết tất cả mọi việc.
Một ví dụ nổi tiếng là vào năm 2012, Mỹ đã đệ đơn kiện lên WTO về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Sản lượng đất hiếm của Trung Quốc chiếm 90% sản lượng của thế giới và Mỹ tuyên bố rằng các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc vi phạm các quy định của WTO và các cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO. Năm 2014, WTO xác định Trung Quốc đã vi phạm các quy định.
Trong nhiệm kỳ của mình tại Hạ viện, bà Katherine Tai cũng thúc đẩy sự ủng hộ của Đảng Dân chủ đối với “Uyghur Forced Labor Prevention Act” (Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ). Luật này cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất bởi các lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc.
Phụ nữ người Hoa nhưng không được lòng người Trung Quốc
Katherine Tai sinh ra ở bang Connecticut, cha mẹ bà là những người nhập cư sinh ra ở Trung Quốc Đại lục và lớn lên ở Đài Loan; sau đó, họ di cư đến Mỹ trong thời Tổng thống John Kennedy. Bà là công dân đầu tiên trong gia đình sinh ra ở Mỹ và lớn lên ở Washington, DC.
Katherine Tai năm nay 45 tuổi, bà nói thông thạo tiếng Trung Quốc phổ thông. Bà tốt nghiệp Đại học Yale và Trường Luật Đại học Harvard, trước khi vào đại học, bà theo học trường Sidwell Friends, một trường tư thục ở Washington - ngôi trường đã nuôi dưỡng rất nhiều con cái của các nhân vật chính trị nổi tiếng, trong đó có hai con gái của ông Obama và các cháu của ông Biden.
Katherine Tai cũng đến sống và làm việc tại Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1996 đến năm 1998. Vào thời điểm đó, bà là một học giả Trung Quốc tại Đại học Yale và dạy tiếng Anh tại Đại học Trung Sơn.
Mặc dù có xuất thân Trung Quốc, nhưng bối cảnh cứng rắn trước đây của Katherine Tai đối với Trung Quốc khiến việc bổ nhiệm bà không khiến các chính trị gia ở Bắc Kinh cảm thấy nhẹ nhõm.
Theo South China Morning Post, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, coi việc Katherine Tai được đề cử là "tín hiệu tiêu cực" cho quan hệ Mỹ-Trung vì bà có kinh nghiệm xử lý tranh chấp thương mại với Trung Quốc và có thể đại diện cho lập trường tiếp tục cứng rắn đối với Trung Quốc của Washington.
"Đây có thể không phải là tin tốt cho Trung Quốc", Thời Ân Hoằng nói - "Điều này không liên quan gì đến trình độ tiếng Trung hay chủng tộc Trung Quốc của bà ấy. Chúng ta cũng cần quan sát xem bà ấy thực sự có ảnh hưởng chính trị đối với Biden hay không".
Trên Internet ở Trung Quốc một bài báo có tựa đề "Đại Kỳ - Một người Hoa nổi bật và nguy hiểm hơn Dư Mậu Xuân đã xuất hiện" đã được lan truyền rộng rãi gần đây. Bài báo so sánh Katherine Tai với Miles Yu (Dư Mậu Xuân), cố vấn kế hoạch và chính sách của Ngoại trưởng Mỹ “diều hâu” Mike Pompeo, cho rằng sau khi Joe Biden nhậm chức, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ "càng có cấu trúc hơn" so với thời Donald Trump.
Giới quan sát quốc tế dự đoán chính quyền của ông Joe Biden sẽ vẫn tiếp tục lập trường cứng rắn trong chính sách thương mại với Trung Quốc (Ảnh: Getty). |
Xu hướng của chiến tranh thương mại
Truyền thông Mỹ đưa tin rằng các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội đã đấu tranh cho sự bổ nhiệm của Katherine Tai, một phần vì họ tin rằng bà sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các điều khoản của Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada. Ngoài ra, bà cũng có ưu thế hơn trong việc đối phó với những vấn đề thách thức kinh tế từ Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Ohio Sherrod Brown nói với The Wall Street Journal rằng Katherine Tai là "ứng cử viên đủ tiêu chuẩn nhất" cho chức Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Brown nói: "Bà ấy có những điều kiện có một không hai để giải quyết các vấn đề với Trung Quốc và biết cách hợp tác với các đồng minh của chúng ta để hiện thực hóa các lợi ích của Mỹ".
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu từ năm 2018 vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Với việc đại dịch COVID-19 xảy ra, các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương tiếp tục làm giảm mối quan hệ giữa hai nước xuống đến mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua, kinh tế và thương mại đã trở thành một vài cầu nối mong manh còn duy trì liên lạc giữa hai nước.
So với cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa hơn của Donald Trump, Joe Biden đã bày tỏ ông sẽ quay trở lại chủ nghĩa đa phương.
“Katherine Tai và Robert Lighthizer đều có lịch sử lâu dài trong việc đối phó với các hành vi không công bằng của Trung Quốc. Đây là vấn đề thương mại cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta”, ông Clete Williams, cựu Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhà Trắng nói với hãng truyền thông Mỹ CNBC. "Sự khác biệt nhất có thể có trong cách tiếp cận của Katherine Tai là cách bà ấy sử dụng hệ thống WTO và các đồng minh để gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi hành vi của họ".
"Với tư cách là cựu Trưởng phòng Thực thi Thương mại Trung Quốc của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong khi hợp tác với các nước như Liên minh Châu Âu và Nhật Bản, bà Katherine Tai cũng có kinh nghiệm trong việc giải quyết và giành chiến thắng các tranh chấp chung giữa WTO với Trung Quốc và rất có khả năng áp dụng cách làm tương tự", ông Clete Williams nói thêm.
Clete Williams cũng chỉ ra rằng trên bàn đàm phán với Trung Quốc, tiếng phổ thông lưu loát của bà Katherine Tai có thể mang lại ưu thế.
Hồi tháng 8, Katherine Tai đã kêu gọi áp dụng một chiến lược khác với cuộc chiến thuế quan do đại diện thương mại hiện tại là Lighthizer khởi xướng với Trung Quốc. Bà tuyên bố, chính sách Trung Quốc có vẻ cấp tiến của ông Trump là "chủ yếu là có tính phòng thủ", trọng điểm của nó là đảm bảo rằng Trung Quốc tuân thủ các quy tắc và thực hiện các biện pháp trừng phạt nếu họ không tuân thủ.
Bà cho rằng một chính sách thương mại tốt cũng phải chứa đựng những nội dung "mang tính tấn công", chẳng hạn như trợ cấp và ưu đãi để giúp ngành công nghiệp Mỹ thoát khỏi việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông sau khi tuyên bố thắng cử, khi được hỏi về quan điểm của ông về mức thuế 25% mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc trong thời kỳ chính quyền ông Trump, Joe Biden nói rằng ông không muốn "đoán trước lựa chọn của mình". Ông hy vọng rằng sau khi nhậm chức, ông sẽ tiến hành đánh giá toàn diện thỏa thuận có tính giai đoạn đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tham khảo ý kiến của các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á.