|
Ảnh minh họa |
Hãng Ria Novosti trích dẫn bài báo của chuyên gia phân tích Amotz Asa-El trên MarketWatch cho rằng, trong cuộc chiến thương mại do ông Recep Tayyip Erdogan gây ra và hiện đang được ông Vladimir Putin điều khiển sẽ chỉ có một bên giành thắng lợi – là Nga.
Theo chuyên gia này, “quan hệ thương mại trị giá 30 tỷ USD” của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trên bờ vực thẳm. Nếu với Nga quan hệ này là quan trọng, thì với Thổ Nhĩ Kỳ đây là vấn đề sống còn của quốc gia này.
Đặc biệt là sau lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, Nga chuyển sang mua trái cây và rau quả từ Thổ Nhĩ Kỳ với tổng trị giá khoảng 4 tỷ USD năm 2014. Việc tìm nhà cung cấp các sản phẩm này cũng như nhập khẩu ngũ cốc từ các đối tác khác không khó đối với Nga.
Các du khách Nga cũng không quá cần thiết nghỉ dưỡng tại Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù năm ngoái đã có tới 3,3 triệu khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại là Thổ Nhĩ Kỳ cần khách Nga vì Nga chiếm 1/10 tổng số khách du lịch tới quốc gia này.
Và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga càng nhân đôi bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì không giống như Nga, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ luôn lo lắng vì cuộc chiến tại Syria cộng thêm vấn đề tranh chấp của quốc gia này với người Kurd – lực lượng sẽ được Nga trợ giúp trong tương lai, - nhà phân tích bổ sung.
Ông Asa-El tiếp tục: “Nông dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất đi thị trường tiêu thụ là Nga, các nhân viên khách sạn và nhà hàng cũng sớm mất đi nguồn lợi từ du khách Nga cùng với việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ diễu hành phản đối việc chính quyền tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn Hồi giáo làm đảo lộn thị trường lao động tại quốc gia này”.
Theo chuyên gia Amotz Asa-El, nếu Nga từ chối cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thì tình hình sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng. Nga sẽ thiệt hại hàng tỷ USD nhưng họ đủ khả năng chống đỡ, còn kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào tình trạng “gần như ngừng hoạt động”.
Không phải chỉ vì lượng khí đốt Nga cung cấp chiếm 50% tổng nhiên liệu của Thổ Nhĩ Kỳ, mà hiện tại Tổng thống Erdogan còn gây mâu thuẫn với tất cả các nhà cung cấp thay thế chính cho Nga như Iran, Ai Cập, Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh.
Theo quan điểm của nhà phân tích Amotz Asa-El, ông Putin hiểu rằng Nga đang phải chịu những tổn thất tài chính do cắt đứt quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng “đối với ông ấy danh dự của đất nước quan trọng hơn”.
“Trong cuộc đối đầu với ông Erdogan vì sự cố máy bay Nga bị bắn rơi tại lãnh thổ Syria, giáp biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã chọn danh dự trên tất cả”, - chuyên gia viết. Tổng thống Nga không chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 là do những nguyên nhân kinh tế và chính trị.
"Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có đầy đủ cơ sở để lo ngại rằng áp lực kinh tế của Nga vừa mới bắt đầu nhưng nó sẽ không suy yếu đi cho đến khi một ai đó ở Ankara chấp nhận đầu hàng”, - ông Asa-El kết luận.
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu "dậy sóng" sau sự vụ cặp tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga hôm 24/11 vừa qua.
Đáp trả lại hành động này của phía Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 28/11, Tổng thống Nga Putin đã ký ban hành sắc lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Sắc lệnh này chính thức có hiệu lực từ ngày ký và chỉ hết hiệu lực trong trường hợp ông Putin quyết định cho dừng thực hiện sắc lệnh này.
Theo Infonet