Trao đổi với VietTimes, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng - cho biết, hiện tại Đà Nẵng có 103 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 4 đơn vị thuộc hệ thống thương nhân đầu mối, gồm: Công ty Xăng dầu Khu vực V – TNHH MTV (chiếm thị phần khoảng 50-55% tại Đà Nẵng), Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí PV Oil Miền Trung tại Đà Nẵng (chiếm khoảng 1520% thị phần), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh (chiếm 10-15% thị phần), Công ty Xăng dầu Quân đội Khu vực 2 (chiếm khoảng 5% thị phần); 2 đơn vị là thương nhân phân phối gồm: Công ty Cổ phần Xăng dầu Hòa Mỹ, Công ty TNHH Lan Lê.
“Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng xăng dầu dự trữ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường cho cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống trực thuộc của đơn vị và khách hàng là đại lý có cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã ký hợp đồng với đơn vị.
"Trong thời gian từ ngày 8/11 đến ngày 9/11, Cục Quản lý thị trường ghi nhận có 3 cửa hàng thông báo hết xăng Ron 95, nhưng vẫn bán dầu DO và xăng E5 Ron 92. Một số cửa hàng khác bán xăng hạn chế. Tính đến chiều ngày 9/11 còn lại 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng Ron 95 (vẫn mở cửa hoạt động bán dầu DO và xăng E5 Ron 92) và cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp nào đầu cơ, găm hàng” - Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, phân phối nhỏ cho biết, hiện nay nguồn cung xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn do tình hình biến động giá xăng dầu thế giới, chi phí phát sinh tăng phải bù lỗ, vận chuyển xăng dầu, các tàu cập cảng chậm từ các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quốc… đã ảnh hưởng đến kế hoạch nhập hàng, dự trữ theo kế hoạch đề ra.
“Do nguồn cung hạn chế nên việc cung ứng của một số cửa hàng xăng dầu tại một số thời điểm bị gián đoạn, Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhắc nhở, cố gắng không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đơn vị.”- bà Lê Thị Kim Phương cho biết thêm.
Cũng theo bà Phương, đến nay, hầu hết các cửa hàng xăng dầu đều bán hàng bình thường. Tuy số lượng xăng dầu nhập và cung ứng không như trước đây nhưng cũng đã cơ bản đáp ứng.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, trước diễn biến bất ổn trên thị trường xăng dầu thế giới tác động tới thị trường xăng dầu trong nước, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp đầu mối, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh các chi phí định mức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với Sở Công thương TP tiến hành kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình cung ứng xăng dầu của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Đà Nẵng nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP giám sát, nắm tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong trường hợp nguồn cung xăng dầu có biến động lớn để báo cáo, đề xuất Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối lớn hỗ trợ, chia sẻ nguồn cung xăng dầu cho Đà Nẵng.