Vì sao lợi nhuận quý 1 của nhiều ngân hàng tăng cao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thu nhập lãi thuần tăng giúp lợi nhuận kinh doanh quý I năm 2024 của nhiều nhà băng có tăng trưởng 2 con số.

Top 10 ngân hàng lãi lớn nhất đã có sự xáo trộn trong quý 1 vừa qua. So với cùng kỳ năm ngoái, VIB đã rơi khỏi top 10, thay vào đó là LPBank. Lợi nhuận VIB quý này xếp thứ 12.

Theo Dân Việt, Techcombank đã nhanh chóng vượt qua BIDV và Vietinbank để leo lên vị trí thứ 2 nhờ sự tăng trưởng đồng đều nhất ở cả mảng thu nhập lãi thuần lẫn thu nhập ngoài lãi, quý 1 vừa qua, 2 hoạt động trên lần lượt tăng trưởng 30% và 35% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.801 tỷ, tăng trưởng 38% đã giúp TCB lọt nhóm top 3 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất ngành hiện nay. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn nhất theo quý mà Techcombank đạt được từ trước đến nay.

anh-chup-man-hinh-2024-05-05-luc.jpg

Trong quý 1, NCB là ngân hàng duy nhất báo lỗ, 9 ngân hàng khác lợi nhuận sụt giảm và 18 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương.

ABBank và VietBank là 2 nhà băng có mức sụt giảm lợi nhuận mạnh, với mức giảm đều hơn 60%.

Tại ABB, thu nhập lãi thuần giảm 16% trong khi thu nhập ngoài lãi cũng giảm đến 54% với các mảng ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư hay góp vốn mua cổ phần đều sụt giảm mạnh, trong đó mức giảm lớn nhất đến từ mảng mua bán chứng khoán đầu tư (-151%). Ngân hàng cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khiến lợi nhuận trước thuế còn 192 tỷ đồng, giảm 68%.

Còn tại VietBank (VBB), ngân hàng cho biết việc lãi suất liên ngân hàng giảm đã khiến nguồn thu nhập lãi từ thị trường 2 mang lại thấp hơn cùng kỳ, dẫn đến thu nhập lãi thuần giảm 6,13%.Thu nhập ngoài lãi của VBB chỉ giảm nhẹ 3%. Tuy nhiên trong kỳ, ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng rủi ro lên gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái do dư nợ cho vay tăng, đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế kỳ này của VBB giảm hơn 63%, đạt 73,4 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Bản Việt (BVB) lại trở thành nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất khi lợi nhuận trước thuế quý 1 năm nay đạt 69,3 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ vào thu nhập lãi thuần kỳ này tăng 65%. Kế tiếp là LPB và VPB với mức tăng trưởng lợi nhuận trên 50% trong quý đầu năm.

Với lợi nhuận trước thuế đạt 2.886 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái, LPB cho biết tình hình kinh tế có nhiều cải thiện dẫn đến hoạt động cho vay - thu nhập lãi thuần tăng. Bên cạnh đó, các đơn hàng xuất khẩu cũng được cải thiện dẫn đến nhu cầu vốn ngoại tệ tăng, nhờ đó thu nhập từ kinh doanh ngoại hối tăng. Trong quý 1 vừa qua, trong khi thu nhập lãi thuần của LPB tăng 25% thì thu nhập ngoài lãi đã tăng 182%, đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn tại VPBank, thu nhập hoạt động kỳ này tăng nhờ thu nhập lãi thuần tăng 19%, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được VPB giảm 10% đã giúp ngân hàng có 4.181 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 64% so với quý đầu năm ngoái.

Theo SSI Research, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối phần nào đó bù đắp cho sự sụt giảm mạnh từ hoạt động bancassurance (hợp tác giữa công ty bảo hiểm và các ngân hàng) và thu từ xử lý nợ xấu. Ngoài ra, việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động trong quý 1 so với năm 203 là một yếu tố khác hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Đối với các ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh đều có mức tăng trưởng khá khiêm tốn. Dù vẫn giữ vị thế là nhà băng có lãi lớn nhất, đạt 10.718 tỷ đồng nhưng Vietcombank quý này lại lọt vào nhóm ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm với mức giảm 4,48%, chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi suy giảm.

Lợi nhuận của cả BIDV và VietinBank đều tăng trưởng dưới 10%.

Hàng không lãi lớn, còn bất động sản, dệt may giảm lợi nhuận

Cập nhật mới nhất của FiinTrade cho thấy tính đến ngày 5/5 có 1.036/1.641 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 1/2024. Theo đó, Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường vẫn xu hướng tăng chậm lại. Tổng lợi nhuận sau thuế quý1 của 1.036 doanh nghiệp niêm yết tăng 21,5% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của quý 4/2023 là 56,6% so với cùng kỳ.

Hàng không là ngành dẫn đầu toàn thị trường về mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ tăng 1962,7%, chủ yếu nhờ thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của Pacific Airlines – công ty con thuộc Vietnam Airlines (HVN).

Ngược lại, bất động sản nhà ở, vật liệu xây dựng, tiện ích (điện, khí đốt…), dệt may, hóa chất, khai khoáng ghi nhận lợi nhuận sau thuế lại giảm so với cùng kỳ.